Ngành dịch vụ ăn uống kiệt sức vì đợt dịch thứ 4

- Thứ Năm, 14/10/2021, 07:04 - Chia sẻ
Đợt dịch lần thứ 4 đã khiến doanh nghiệp và người lao động ngành dịch vụ ăn uống kiệt sức. Sau gần 2 năm chống chọi với Covid-19, sức chịu đựng của ngành đang chạm đến giới hạn. Nhiều nhà hàng, quán bar đã phá sản, đóng cửa kinh doanh…

“28 năm, chưa lúc nào tệ như lúc này!”

Làm trong ngành dịch vụ 28 năm, anh Lê Quách Tỉnh, quản lý nhà hàng và bar Cabaret (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) “chưa bao giờ thấy tình hình tồi tệ như lúc này”.

	Quán xá trên phố Tạ Hiện, Hà Nội vẫn đóng cửa. Ảnh: H.L
Quán xá trên phố Tạ Hiện, Hà Nội vẫn đóng cửa.
Ảnh: H.L

Gần 3 tháng qua, nhà hàng và quán bar nơi anh làm việc đã đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của chính quyền. “100% nhân viên, khoảng 70 người, nghỉ việc không lương từ dạo đó”. Như đồng nghiệp, anh Tỉnh “ở nhà vợ nuôi”, và “có phần trầm cảm vì phải ngồi nhà cả ngày” nhưng cũng không nỡ trách móc chủ đầu tư.

Tiền thuê mặt bằng ở con phố đẹp nhất nhì Hà Nội lên đến vài ba chục nghìn đô la mỗi tháng nhưng suốt 9 năm kinh doanh (2010 - 2019), chủ đầu tư không nợ một đồng thuê nhà. Quán bar tối nào cũng kín bàn, đông khách. Từ khi Covid-19 xuất hiện, nhà hàng và quán bar hoạt động phập phù, lúc được lúc chăng theo diễn biến dịch bệnh. Trước đợt dịch thứ 4, quán bar chỉ lác đác 1 - 3 bàn mỗi tối. “Ba tháng nay chúng tôi đóng cửa hẳn! Nguồn thu không có một đồng nhưng hàng tháng chủ đầu tư đều phải chi trả các khoản cố định như tiền thuê mặt bằng, lãi ngân hàng… Riêng tiền điện duy trì hệ thống tủ lạnh, tủ rượu cũng lên tới 30 triệu đồng/tháng”. Gánh nặng chi phí quá lớn khiến chủ đầu tư lần đầu tiên trong hơn 10 năm đã phải chậm trả tiền thuê mặt bằng dù được giảm đáng kể, anh Tỉnh kể.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, sở hữu chuỗi nhà hàng món Âu, hải sản và buffet lẩu Thái Deli, cũng đã kiệt quệ sau 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19. Anh mở 7 nhà hàng năm 2019 thì một năm sau dịch xuất hiện. Ngay trong năm 2020, anh phải đóng cửa 3 nhà hàng, kéo theo đó, 350 nhân viên bị thất nghiệp. Giữa năm 2021, anh chỉ giữ lại được 4 nhà hàng thuộc chuỗi buffet lẩu Thái Deli.

“Đầu năm đến giờ chuỗi nhà hàng của tôi chỉ hoạt động được khoảng 2 tháng”, anh Hùng cho biết. Từ 21.9, Hà Nội cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép bán hàng mang về nhưng anh vẫn “án binh bất động”, bởi với đặc thù của buffet lẩu giá rẻ, chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên nên “càng bán mang về thì càng lỗ’’. Trong khi đó, trung bình mỗi tháng anh phải chi trả ngót 300 triệu đồng tiền mặt bằng, lãi ngân hàng, điện nước, hỗ trợ nhân viên và bảo dưỡng, bảo trì cơ sở vật chất tại các nhà hàng để có thể mở cửa ngay khi được bán hàng tại chỗ. “Quy mô nhà hàng của tôi nhỏ mà còn bết bát vậy thì các nhà hàng lớn khó khăn cỡ nào!”, anh nói.

Tương lai mù mịt

Dịch Covid hoành hành khiến hầu như tất cả ngành kinh tế trong đà trượt dốc kéo dài và thiệt hại trực tiếp, sớm nhất, nặng nề nhất là ngành kinh doanh dịch vụ trong đó có nhà hàng, quán bar. Giãn cách xã hội để phòng chống dịch, khách du lịch quốc tế giảm từ 18 triệu người xuống gần như “zero”, người dân mất việc, giảm thu nhập… tất cả đều là những “chiếc áo vắt lên lưng” doanh nghiệp ngành này.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế trong 9 tháng qua. Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh nhất với 23,18%. Cũng từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy con số chưa được phân tích và bóc tách cụ thể, xem khu vực kinh doanh nào có bao nhiêu doanh nghiệp phá sản, nhưng trong đó chắc chắn có rất nhiều quán bar, nhà hàng…

"Sức chịu đựng của ngành đang chạm đến giới hạn. Chúng tôi đã thấy những người bạn của mình phá sản, đóng cửa kinh doanh", chủ chuỗi nhà hàng Thái Deli chia sẻ. Nhiều nhà hàng, quán bar ở Hà Nội thậm chí “chết không được chôn”, nghĩa là dù đã phá sản, đóng cửa nhưng bảng hiệu vẫn treo nguyên đó vì chưa kịp gỡ xuống hoặc để khỏi thêm chi phí tháo dỡ. “Phố Tây” Bùi Viện ở TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp tới tận khuya với những quán bar, vũ trường san sát ngày nào, nay các chủ quán chuyển sang bán rau củ quả… cho qua mùa dịch.

Dù kinh doanh dịch vụ ăn uống chịu tác động nghiêm trọng từ dịch bệnh nhưng chính sách hỗ trợ chưa phủ tới toàn bộ doanh nghiệp nhóm ngành này. Ngay anh Hùng cũng chưa nhận được sự hỗ trợ nào trong suốt 2 năm qua, kể cả từ phía ngân hàng. Để cầm cự, anh phải giật gấu vá vai, xoay xở vay mượn gia đình, bạn bè…

Tuy vậy đoạn đường đã qua chưa phải đáng sợ nhất. “Điều tôi lo lắng hơn là tương lai ảm đạm và mịt mù phía trước”, anh Tỉnh, quản lý nhà hàng và bar Cabaret nói. “Tôi không chắc rằng khách hàng sẽ quay trở lại khi quán được hoạt động. Bởi tâm lý “tích cốc phòng cơ” đang bao trùm nên đa số mọi người đang và sẽ tiếp tục cắt giảm tiêu dùng”.

Tia hy vọng của anh Hùng là sự chuyển hướng chiến lược của Chính phủ từ “không Covid” sang “sống chung với Covid” và tốc độ thực hiện chiến lược vaccine. Tuy nhiên, trong cảm nhận của anh, dường như chưa có sự thống nhất về một nhận thức mới, đó là vận hành đời sống kinh tế - xã hội an toàn cũng là chống dịch! Bởi vậy, anh hy vọng Chính phủ và các địa phương có quyết sách rõ ràng, thống nhất để doanh nghiệp nói chung và ngành kinh doanh ăn uống nói riêng sớm mở cửa, phục vụ khách hàng tại chỗ. Nếu không, sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 sẽ là làn sóng phá sản doanh nghiệp dữ dội hơn…

Hà Lan