Ngành du lịch tập trung vào khách nội địa

- Thứ Năm, 14/01/2021, 08:31 - Chia sẻ
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, toàn ngành đã chuẩn bị tâm thế bước vào năm 2021, tìm hướng đi phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Trước mắt, ngành du lịch vẫn chưa thể đón khách quốc tế và sẽ tập trung vào dòng khách nội địa.

 80 triệu lượt khách nội địa trong năm 2021

- Covid-19 để lại hậu quả như thế nào với ngành du lịch năm qua, thưa ông?

- 2020 là một năm khó khăn với nhiều ngành nghề, nhưng có thể nói, ngành du lịch chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Các chỉ số tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách quốc tế cả năm ước đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019. Khách nội địa đến hết tháng 11 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6%. Trong đó, khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại 23 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành du lịch tập trung cùng cả nước ứng phó với đại dịch, đồng thời chủ động thích ứng với tình hình mới, chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa. Hai chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân. Hoạt động vận chuyển khách du lịch được phục hồi, tần suất khai thác của các hãng hàng không tăng cao.

Đặc biệt, toàn ngành cũng đã chủ động chuyển đổi số với những nhiệm vụ trọng tâm như phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch…

Bên cạnh những “nốt trầm”, du lịch Việt Nam cũng có những niềm vui khi trong năm 2020, đã được Tổ chức World Travel Awards vinh danh lần thứ 2 liên tiếp là Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á và được vinh danh lần thứ 4 liên tiếp ở hạng mục điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2020.

- Ông nhận định thế nào về khả năng hồi phục của ngành du lịch trong năm nay?

- Theo nhận định của các chuyên gia, ngành du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi dịch trên thế giới được kiểm soát và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu quá trình phục hồi từ quý III.2021, tuy nhiên để đạt được mức bằng năm 2019 cần khoảng thời gian từ 2,5 đến 4 năm, tùy tình hình kiểm soát dịch. Du lịch Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của quốc tế và cần nhiều thời gian để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng tại thị trường châu Âu, châu Mỹ và cả các nước trong khu vực dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thị trường du lịch nội địa có khả năng phục hồi nhanh hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho quá trình hồi phục du lịch Việt Nam. Năm 2021, ngành du lịch xây dựng các phương án, chủ động đón khách du lịch quốc tế trở lại sau khi dịch được kiểm soát và phấn đấu phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, ước đạt tổng thu từ khách du lịch khoảng 337 nghìn tỷ đồng.

Tập trung vào dòng khách nội địa

- Ngành du lịch sẽ làm gì để đạt mục tiêu này, thưa ông?

- Có 4 nhóm vấn đề sẽ được tập trung phát triển trong giai đoạn tới. Một là, thị trường khách du lịch sẽ được cơ cấu lại để thích ứng với bối cảnh mới. Trong khi thị trường khách du lịch quốc tế vẫn tạm thời đóng băng thì dòng khách du lịch nội địa sẽ trở thành nguồn thu chủ yếu. Hai là, mối liên kết công - tư, sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được tăng cường chặt chẽ để tạo ra những chương trình ưu đãi hấp dẫn. Ba là, sự liên kết giữa các điểm đến, các vùng du lịch sẽ tạo nên chuỗi cung ứng dịch vụ, xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay của du khách. Cuối cùng, công nghệ sẽ được khuyến khích ứng dụng rộng rãi hơn để hỗ trợ du khách có những trải nghiệm du lịch thông minh và an toàn hơn.

Năm 2021, ngành du lịch phấn đấu phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa  

Nguồn: ITN 

- Cụ thể, sẽ có chương trình nào để kích cầu du lịch nội địa?

- Thị trường du lịch nội địa năm tới có 4 xu hướng. Thứ nhất, vấn đề an toàn là yếu tố quan trọng nhất được du khách quan tâm. Thứ hai, xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, cá nhân thay vì du lịch theo đoàn lớn. Đây sẽ là cơ hội cho các điểm đến mới phát triển. Thứ ba, xu hướng tìm hiểu và đi du lịch của du khách. Thứ tư, du khách giờ đây chủ yếu chọn kết nối với dịch vụ nhờ công nghệ nên sản phẩm du lịch phải thích ứng theo bằng cách vừa cung cấp những trải nghiệm thực nhưng cũng vừa có nhiều hoạt động kết nối nhờ công nghệ.

Ngành du lịch tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình kích cầu du lịch nội địa, tăng cường truyền thông, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền xúc tiến du lịch nội địa với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

- Xin cảm ơn ông!

"Để bảo đảm nguồn nhân lực du lịch, cần thiết phải nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về việc phát triển nguồn nhân lực du lịch trong tình hình mới, củng cố lại mạng lưới các cơ sở đào tạo theo hướng bền vững và dài hạn.

Các địa phương cần tăng cường đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ, người lao động làm du lịch trên địa bàn. Các cơ sở đào tạo cần duy trì và tăng quy mô đào tạo để sẵn sàng cung ứng đủ nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết trong đào tạo giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch.

Đối với doanh nghiệp, cần thay đổi chiến lược quản lý, kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế, cần sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa về phương thức điều hành, sắp xếp lại bộ máy, đánh giá, sàng lọc nhân viên, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới phát triển bền vững".

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc 

 

Hạnh Nhung