Ngày làm việc thứ Chín, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 00:00 - Chia sẻ
* Thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, EVIPA và Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức * Nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. * Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA * Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội

Sáng 8.6, tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV bắt đầu đợt họp thứ hai bằng hình thức tập trung. Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu, đánh giá về việc thực hiện chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Chín tại đợt một - họp trực tuyến, cũng như kinh nghiệm từ việc lần đầu tiên Quốc hội kết hợp họp trực tuyến và tập trung... (Toàn văn phát biểu xem số báo hôm nay).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu Mở đầu phiên họp

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết quan trọng. Với tỷ lệ 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) được thông qua với tỷ lệ 95,45% tổng số ĐBQH tán thành. Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức được thông qua với tỷ lệ 94,82% tổng số ĐBQH tán thành.

Tham dự phiên họp về các nội dung nêu trên có Trưởng đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Đại sứ các nước thành viên Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội biểu quyết thông qua việc bổ sung dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác vào chương trình Kỳ họp thứ Chín này, với 92,96% tổng số ĐBQH tán thành.

Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank; thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)

Hướng tới không gian thị trường tiềm năng lớn nhất

Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA được ký ngày 30.6.2019 tại Hà Nội, Việt Nam. Theo đó, áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định, trong đó: áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị quyết này; áp dụng các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 3 kèm theo Nghị quyết này cho đến ngày Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành; áp dụng Hiệp định với Vương quốc Anh trong thời gian từ ngày Hiệp định có hiệu lực đến hết ngày 31.12.2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).  

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Các ĐBQH cho rằng việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời đánh giá Hiệp định có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.

Mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Cũng trong Nghị quyết tiếp theo, Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Hiệp định EVIPA được ký ngày 30.6.2019 tại Hà Nội, Việt Nam.

Về áp dụng điều ước quốc tế, Nghị quyết nêu rõ, áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Hiệp định, trừ các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định này; ban hành Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định để thực hiện các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định.

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH về việc phê chuẩn EVIPA do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày, việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tạo điều kiện cho nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh

Sau khi nghe Tờ trình về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, trong đó nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank. Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và đóng vai trò chủ đạo trong cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Agribank bị suy giảm do tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản. Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính nhưng Agribank vẫn chưa đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mực Basel II có hiệu lực từ ngày 1.1.2020...

Đa số đại biểu nhất trí với Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank, bởi với công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19, việc này sẽ góp phần cho Agribank tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về "xây dựng nông thôn mới" và "giảm nghèo bền vững".

ĐBQH Nguyễn Văn Thắng (Quảng Ninh) nhận định, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 và mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng không ảnh hưởng nhiều đến nộp thuế và ngân sách của ngân hàng thương mại và sẽ tạo ra động lực để tăng trưởng kinh tế.

Xác định rõ thẩm quyền của Tòa án Việt Nam

Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA, đa số ĐBQH tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về sự cần thiết ban hành Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA.

Nhất trí với tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, song các đại biểu cũng đề nghị, cần xác định rõ nguyên tắc, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA; đồng thời, đặt ra cơ chế mới về trình tự, thủ tục công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định này. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA và giao trách nhiệm cụ thể cho Tòa án Nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

ĐBQH Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) nêu vấn đề, theo khoản 4, điều 2 dự thảo Nghị quyết, quyết định của Tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị. Đại biểu cho rằng, không bị kháng cáo có thể được nhưng cần cân nhắc việc không bị kháng nghị liệu có vi phạm về thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam không? Bởi không thể tước đi quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trong trường hợp Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA.

Băn khoăn về việc công nhận và cho thi hành phán quyết, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA về bản chất không phải phán quyết của trọng tài nước ngoài, mà chỉ là phán quyết của cơ quan thường trực trọng tài nước ngoài. Nếu xử sự không khéo sẽ có tác động mạnh mẽ tới hiệp định bảo hộ đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị, Tòa án Nhân dân tối cao cần phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng kết việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York. Qua tổng kết việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York để rút ra những điểm cần thiết đối với dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với điều khoản thi hành của dự thảo Nghị quyết là Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày EVIPA có hiệu lực. Đối với một số vấn đề được ĐBQH nêu ra tại phiên thảo luận, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nhằm tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Quốc hội khi trình dự thảo Nghị quyết để Quốc hội xem xét phê chuẩn.

Khẳng định vai trò trụ cột của nông nghiệp

Đa số ĐBQH nhất trí với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; cho rằng, năm 2019 việc hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7,02% (số đã báo cáo khoảng 6,8%) là sự nỗ lực, cố gắng từ chỉ đạo đến điều hành, thực hiện của Chính phủ. Bước vào năm 2020, với ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19, sự thành công trong phòng, chống đại dịch được các nước, tổ chức trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự cố gắng, đoàn kết và thống nhất của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Trước những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, việc Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu thể hiện đà tăng trưởng của nước ta vẫn còn khả năng để thực hiện. Theo ĐBQH Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh), Chính phủ cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động để có sự điều chỉnh hợp lý, trong đó, cần đặt mục tiêu phấn đấu đến mức cao nhất có thể.

Các ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)… cho rằng, trong tất cả giai đoạn lịch sử kinh tế - xã hội khó khăn thì nền nông nghiệp luôn thể hiện vai trò nền tảng và trụ cột, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. ĐB Phùng Đức Tiến nêu rõ, với 2 chỉ tiêu quan trọng của nền nông nghiệp thì trong năm nay đều có khả năng để hoàn thành mục tiêu, đó là lương thực và thực phẩm. Cụ thể, về lương thực, mục tiêu là 43,5 triệu tấn lúa để bảo đảm dành 13,5 triệu tấn lúa cho tiêu dùng; 7,5 triệu tấn cho chế biến; 3,8 triệu tấn dự trữ, 1 triệu giống và cố gắng xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13,5 triệu tấn lúa). Hiện nay, hết tháng 6, cả nước đã được 20,2 triệu tấn, đạt 46% kế hoạch. Về thực phẩm, ngành nông nghiệp cố gắng đạt 14,3 triệu tấn, trong đó 8,5 triệu tấn thủy sản cả khai thác và nuôi trồng, thịt 5,8 triệu tấn, sữa 1,2 triệu tấn… Đặc biệt, trong các kịch bản Chính phủ trình Quốc hội thì ngành nông nghiệp luôn đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5 - 2,7%.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ĐBQH đề nghị, trong thời gian tới cần có sự quan tâm và đầu tư để ngành nông nghiệp phát triển ở một tầm cao mới, đặc biệt chú trọng yếu tố về giá trị gia tăng.

Tránh trùng lặp dẫn đến đầu tư dàn trải

Thảo luận tại tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đa số ĐBQH cho rằng, việc Quốc hội ban hành Chương trình này là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp vô cùng nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục…

Tuy nhiên, các ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, nhìn vào các mục tiêu chung của Chương trình thì còn sự trùng lặp với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Lưu ý vấn đề này, ĐB Hoàng Quang Hàm đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương chủ động phối hợp để tránh sự trùng lặp dẫn đến đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Cho rằng Chương trình không thể thực hiện nếu không có tiền, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ băn khoăn về việc huy động nguồn lực đầu tư, bởi đây không phải hỗ trợ như giảm nghèo mà đầu tư cho phát triển với nhiều mặt lĩnh vực, đặc biệt đây là khu vực khó khăn nhất. Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, cần phải có chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư đến khu vực này chứ không thể áp dụng “cào bằng” như các khu vực khác. Thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư từ thiện nhưng vấn đề hiện tại là vướng nhiều chính sách nên không thể thực hiện.

Cơ cấu nguồn thu chưa bền vững

Về quyết toán NSNN năm 2018, Chính phủ dự toán thu NSNN 1.319.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.431.662.057 triệu đồng, tăng 8,5% (112.462.057 triệu đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Cụ thể là tăng thu tiền sử dụng đất là 61.914.517 triệu đồng và thu dầu thô tăng 84% (30.148.458 triệu đồng) so với dự toán.

Về dự toán chi NSNN 1.523.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.435.435.263 triệu đồng, bằng 94,2% (giảm 87.764.737 triệu đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán, hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN. Quyết toán chi ngân sách Trung ương là 572.609.766 triệu đồng, thấp hơn 4,8% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương là 862.825.497 triệu đồng, thấp hơn 6,4% với dự toán.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc thu NSNN vượt dự toán 8,5%, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các khoản thu về nhà, đất, tài nguyên, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN, cho thấy cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, các giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến tích cực.

Về chi NSNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, năm 2018, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội. Song vẫn tồn tại hạn chế là công tác lập, giao dự toán còn chưa sát thực tế, tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để. Giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm. Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên còn chậm, cơ cấu chi thường xuyên chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra...

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ bổ sung báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017 theo Khoản 5, Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 của Quốc hội. Đồng thời không để tình trạng thiếu báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội xảy ra ở các năm sau.

Thanh Chi - Hoàng Ngọc - Trung Thành

Box:

Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh diễu hành

ra mắt nhân dịp Kỳ họp thứ Chín

Sáng 8.6, trước khi bắt đầu đợt họp thứ hai, tại khu vực Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) đã tổ chức diễu hành ra mắt chính thức trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có thêm một đơn vị tác chiến mới trên mặt trận xung kích là Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh.

Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, thời gian qua, lực lượng cảnh sát nói chung, cảnh sát cơ động nói riêng đã đóng vai trò quan trọng thực hiện các biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trước sự manh động, phức tạp của tội phạm, cũng như tình trạng bạo loạn, chống người thi hành công vụ diễn ra trong thời gian gần đây, đòi hỏi tổ chức cảnh sát cơ động cần phải được hoàn thiện hơn nữa nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quá trình xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trước tình hình đó, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã nghiên cứu và thành lập Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh nhằm từng bước tăng cường năng lực, sức chiến đấu cho lực lượng cảnh sát cơ động. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, "đây là một lĩnh vực mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như kỹ năng trong công tác huấn luyện nghiệp vụ, bên cạnh đó thì cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đối với lực lượng này còn hạn chế, nhưng với sự quyết tâm của Bộ Công an, của Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, không ngại khó, ngại khổ của các cán bộ, chiến sĩ, Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận".

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, với bề dày 46 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng cảnh sát cơ động, Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ vượt qua khó khăn ban đầu, từng bước phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, được thành lập theo Quyết định số 326/QĐ-BCA, ngày 15.1.2020 của Bộ trưởng Bộ Công an với chức năng, nhiệm vụ chính là trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự; sẵn sàng nhận và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có mệnh lệnh của lãnh đạo cấp trên...

Bộ Công an cho biết, giống ngựa được sử dụng trong Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt, sự dẻo dai, ngoại hình phù hợp, có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn; đặc biệt, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình rất phức tạp, không thể cơ động bằng các phương tiện ô tô, xe máy, phương tiện đặc chủng; tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới...

H. Ngọc

Hoàng Ngọc, Thanh Chi; Ảnh: Lâm Hiển