Ngày làm việc thứ mười hai, Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV

- Thứ Ba, 10/11/2020, 07:08 - Chia sẻ

* Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Ngày 9.11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. 

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu vấn đề về những giải pháp khắc phục trong việc lập dự toán và thực hiện chi cho lĩnh vực tài nguyên, môi trường giai đoạn vừa qua phải hủy 30,8% dự toán ngân sách, tương đương 2.400 tỷ đồng chi cho tài nguyên, môi trường. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục tồn tại về kinh phí bảo vệ môi trường, kinh phí sự nghiệp môi trường bị hủy dự toán. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội Ảnh: Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội
Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, vừa qua, một số lĩnh vực ưu tiên ngân sách bố trí theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, ví dụ như: lĩnh vực giáo dục - đào tạo là trên 20% ngân sách hàng năm; khoa học, công nghệ là 2%; tốc độ tăng chi của y tế cao hơn bình quân của ngân sách sự nghiệp môi trường là trên 1%. Thực tế, chúng ta đã bố trí đúng yêu cầu của các chủ trương này. Tuy nhiên, như ĐB Mai Sỹ Diến nêu, hàng năm chi không hết của sự nghiệp môi trường và trong giai đoạn 2016 - 2020 phải hủy dự toán 2.416 tỷ  đồng.

Có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, theo quy định, tại thời điểm tháng 10 hàng năm, khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước thì các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt nhiệm vụ sự nghiệp môi trường để làm cơ sở phân bổ dự toán. Nhưng trong thực tế, việc phê duyệt nhiệm vụ này bị chậm và đến tháng 10 chỉ đạt khoảng 50 - 60%. Số còn lại phải thực hiện phân bổ trong năm và có những trường hợp là đến cuối năm mới phân bổ và có năm thì không phân bổ ích.

Thứ hai, theo quy định chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường có tính chất đầu tư theo Luật Bảo vệ môi trường thì không cho phép, nên trong dự toán 2020 thì Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội cho phép sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường để chi cho các hoạt động cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị và Quốc hội cũng đã cho phép.

Thứ ba, theo Quyết định số 508 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các địa phương xử lý điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Trung ương hỗ trợ 50% và địa phương phải bỏ ra 50% kinh phí. Nhưng thực tế thì nhiều địa phương không bố trí được kinh phí đối ứng nên cũng không đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Về giải pháp, Bộ trưởng nêu ba giải pháp chính. Một là yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng dự toán thì phải tăng tiến độ phê duyệt nhiệm vụ sự nghiệp môi trường, bảo đảm đến ngày 30.10 phải có quyết định phê duyệt này để khắc phục tình trạng chậm như lâu nay. Hai là, đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định số 508 của Thủ tướng cho phù hợp với thực tiễn. Ba là, về bảo vệ môi trường. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường là đơn vị phân bổ chi tiết dự toán, Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo với Thủ tướng.

Trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020 chúng ta không đạt chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, mục tiêu đề ra là 6,8% nhưng thực tế thực hiện được khoảng 2 - 3%. Riêng năm 2021 sẽ tập trung cùng với bộ, ngành, địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có nhiệm vụ rất quan trọng nữa là tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như kích cầu trong nước. Về mặt tài chính, sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương tăng cường công tác quản lý thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống chuyển giá, chống trốn thuế và thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, bám sát dự toán năm 2020 được Quốc hội thông qua và phấn đấu để đạt dự toán này. Trường hợp có biến động thì phải bám vào các nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước để báo cáo với Quốc hội theo thẩm quyền.

Đẩy mạnh công khai trong lĩnh vực y tế bằng ứng dụng công nghệ thông tin

Trong phiên chất vấn chiều qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời các chất vấn của ĐBQH về tình trạng người tham gia bảo hiểm y tế nhưng khi đi khám bệnh thì vẫn phải bỏ tiền mua thuốc; vấn đề tự chủ đại học và giải pháp để tự chủ đại học thực sự; hiện tượng xuống cấp của đạo đức xã hội…

Liên quan đến câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về vấn đề bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng thừa nhận, đúng là có rất nhiều ý kiến phản ánh rằng có bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua thuốc theo đơn bằng tiền túi của mình. Để khắc phục triệt để, theo Phó Thủ tướng, cần phân tích nguyên nhân, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng do chính sách thanh toán của bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội không phù hợp. Điều đó đúng sự thật nhưng không phải căn nguyên, Phó Thủ tướng nói. Hiện nay, chúng ta thực hiện khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, mệnh giá của một người trung bình có tăng lên, nhưng đến nay khoảng 1 triệu đồng/người/năm. So với các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan… thì Philipines chưa bằng 1/3; Thái Lan chưa bằng 1/4. 

Trong khi đó với giá thuốc, chúng ta sản xuất được nhiều thuốc, nhưng hơn 90% nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài cho nên giá thuốc theo mặt bằng quốc tế dù đã cố gắng rẻ hơn giá thuốc các nước trong ASEAN nhưng chỉ rẻ hơn 10 - 15%. Vì vậy, bảo hiểm xã hội không thể thanh toán tất cả các loại thuốc mà xu thế thanh toán những loại thuốc tạm gọi là thông thường. Những loại thuốc đắt tiền, thuốc phát minh - biệt dược thì người bệnh tự trả phí. Hiện, trong số khoảng 120 nghìn tỷ đồng tiền thuốc hàng năm thì bảo hiểm y tế thanh toán khoảng 36%, tỷ lệ này vẫn còn cao so với các nước trên thế giới,  Phó Thủ tướng cho biết. Về giải pháp khắc phục, theo Phó Thủ tướng là “duy trì và tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế” và đây là câu chuyện dài hơi, liên tục và cần cố gắng.

Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, “rất nhiều bệnh nhân phản ánh và đánh giá rằng tình trạng có tiêu cực, có sự móc nối giữa bác sĩ điều trị và các trình dược viên các công ty thuốc, nhà thuốc để “ăn hoa hồng”. Việc này trong ngành y tế từ nhiều năm, chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt, và có thể nói là có hiện tượng đó nhưng không phải tất cả”. Để khắc phục, Phó Thủ tướng nêu rõ, “chỉ có một cách công khai, minh bạch hết bằng công nghệ thông tin”. Với hai chục nghìn loại thuốc và dịch vụ, có hàng triệu lượt khám mỗi năm thì không thể nào kiểm soát được nếu mà không tin học hóa.

Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế đẩy mạnh tin học hóa và đã làm rất tốt. Một số việc đã hoàn thành như là cung cấp dịch vụ công, nền tảng khám, chữa bệnh từ xa… Vừa rồi, đã công bố tất cả những thông tin liên quan đến quản lý ngành y tế và từng bước tiến hành. Tới đây sẽ kết nối toàn bộ hệ thống quản lý của các cơ sở y tế, nhà thuốc để làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử thì mới kiểm soát được. “Một vấn đề đại biểu Quốc hội phản ánh rất nhiều đó là phải đẩy mạnh liên thông xét nghiệm để giảm lãng phí - tất cả đều bằng công nghệ thông tin”, Phó Thủ tướng nói. 

Xu hướng là ủng hộ tự chủ đại học

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc có nên bỏ cơ quan chủ quản trong tự chủ đại học hay không, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, thực tế trong luật pháp nước ta hiện đã không còn Bộ chủ quản, mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay trước mắt có 2 việc rất quan trọng để thực hiện tự chủ theo đúng hướng và đúng quy luật. Trước hết, tất cả các trường đại học đều phải kiện toàn hoặc thành lập mới theo đúng quy định của pháp luật, Hội đồng trường với tư cách là một cơ quan thực quyền chứ không phải là Hội đồng có tính hình thức. Thứ hai, tất cả các trường đều phải xây dựng quy chế điều hành tổ chức hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ rất tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật và phải công khai cho toàn dân biết và giám sát. Tự chủ đại học là một quá trình trong quá trình chuyển đổi, do đó có nhiều điểm chúng ta chưa quy định rõ hay chưa có tiền lệ, thì khi xử lý chúng ta hết sức bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ theo tự chủ, Phó Thủ tướng nói.

Trả lời cụ thể về vụ việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh “đã trao đổi với Bộ Tư pháp rất nhiều lần và khi chưa rõ ràng thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn hết sức trách nhiệm, không hề lơ là, nhưng phải rất cẩn trọng và đúng quy định”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lập đoàn công tác, có cả đại diện Bộ Tư pháp, và sẽ xem xét, phân tích, báo cáo; sau đó sẽ công khai, minh bạch cho toàn dân biết. “Tinh thần là Chính phủ sẽ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cũng trong ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cùng các Bộ trưởng: Thông tin và Truyền thông; Nội vụ; Tài chính; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Giao thông Vận tải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao... tiếp tục đăng đàn trả lời các chất vấn của ĐBQH trên nhiều lĩnh vực. 

Kết thúc ngày thứ hai chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 92 đại biểu chất vấn, còn 27 đại biểu chờ chất vấn và 6 đại biểu chờ tranh luận. Sáng nay, các Bộ trưởng, trưởng ngành và Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục trả lời các chất vấn của ĐBQH.

Thanh Chi