Kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961 - 2021)

Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh độc đáo

- Thứ Ba, 19/10/2021, 06:20 - Chia sẻ
Quyết định mở tuyến đường giao thông quân sự đặc biệt - Đường Hồ Chí Minh trên biển với vai trò chủ đạo của Đoàn 759 là một trong những sáng tạo độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự ra đời, phát triển và những kỳ tích của Đường Hồ Chí Minh trên biển cũng là minh chứng sinh động về tầm nhìn chiến lược của Đảng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Quyết định đúng đắn, sáng tạo và kịp thời

20 giờ ngày 11.10.1962, tàu 41, chiếc tàu vỏ gỗ có máy đẩy đầu tiên chở hơn 30 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông 1” do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa làm chính trị viên cùng 13 cán bộ rời Bến Nghiêng (Đồ Sơn, Hải Phòng) lên đường vào Nam Bộ. Sau hơn 8 ngày đêm vượt biển, sáng 19.10, tàu cập bến Vàm Lũng (xã Tân An, huyện Năm Căn, Cà Mau) an toàn. Nhận được tin vui, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi những người trực tiếp lập nên chiến công đầu tiên. Người chỉ thị: “Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc, cho Nam - Bắc sớm sum họp một nhà”.

Ngay sau Phương Đông 1, từ 19.10 - 14.12.1962, lần lượt 3 tàu vỏ gỗ số 54, 42, 55 mang tên Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4 rời Hải Phòng, chở đầy vũ khí, vượt các hệ thống kiểm soát dày đặc của địch cập bến Vàm Lũng, Cà Mau.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, những chuyến tàu vỏ gỗ vào Cà Mau thắng lợi đã khẳng định, ta có thể vận chuyển bằng đường biển lâu dài, vì vậy phải có những phương tiện vận chuyển tốt hơn đi trong mọi thời tiết. Theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương nhanh chóng đầu tư trang bị cho Đoàn 759 loại tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 - 100 tấn. Nhiều bến tiếp nhận được khẩn trương xây dựng. Ngoài bến Vàm Lũng còn có Bồ Đề, Kiến Vàng, Bến Cũ, Cái Bầu (Cà Mau, Bạc Liêu), Hố Lồng Đèn (Rạch Giá), Ba Động, Khâu Lầu, La Ghi, Láng Nước, Rạch Tàu, Hố Cờ (Trà Vinh), Vàm Khâu Băng, Cồn Rừng, Eo Loi, Cồn Tra, Cồn Điệp, Bình Đại (Bến Tre), Lộc An (Bà Rịa), Hòn Hèo (Khánh Hòa), Vũng Rô (Phú Yên), Lộ Giao (Bình Định), Đạm Thủy (Quảng Ngãi), Hố Chuối, Bình Đào (Quảng Nam)…

“Chính hệ thống bến bãi tiếp nhận cùng với các bến xuất phát ở Hải Phòng, Quảng Yên… đã góp phần quan trọng cùng các ‘con tàu không số’ làm nên bản anh hùng ca bất tử, cũng là kỳ công chiến lược của dân tộc ta, quân đội ta, hải quân ta trên tuyến chi viện chiến lược, Đường Hồ Chí Minh trên biển”, Đại tá, TS. Vũ Tang Bồng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đánh giá.

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS. Nguyễn Danh Tiên nhận định, sự kiện những chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên bằng đường biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam thành công và an toàn cũng chứng tỏ quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển, tổ chức hoạt động chi viện từ miền Bắc cho miền Nam bằng đường biển là đúng đắn, sáng tạo và kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Chiến sĩ Đoàn 125 (Đoàn 759) vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam
Ảnh: TL

Phát triển thế tiến công, chiến thắng kẻ thù

Khi quyết định mở tuyến vận tải chiến lược trên biển, Trung ương Ðảng và Tổng Quân ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, trinh sát nắm tình hình, tổ chức táo bạo, dũng cảm từ thử nghiệm đến xác định tuyến đi và phương thức, phương tiện vận chuyển. PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên cho biết, từ chuyến đầu tiên vào tháng 10.1962 đến tháng 12.1965, tuyến vận tải chiến lược trên biển mà vai trò Đoàn 759 với các “con tàu không số” như những con thoi âm thầm rời bến, vượt biển, đương đầu với muôn vàn khó khăn do bão tố, sóng gió; anh dũng, mưu trí, táo bạo vượt qua mọi hệ thống ngăn chặn, kiểm soát dày đặc của địch đã vận chuyển được hàng nghìn tấn vũ khí cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

“Số vũ khí được chi viện kịp thời, đúng lúc đã trực tiếp góp phần cùng quân dân ta ở miền Nam nhanh chóng phát triển thế tiến công, lập nên những chiến công oanh liệt ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Núi Thành, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã, Bầu Bàng… góp phần làm thất bại căn bản các chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam" - PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên nhận định.

Từ chuyến đi thành công của tàu Phương Đông 1 đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trực tiếp và gián tiếp vận chuyển hơn 96.000 tấn vũ khí đạn dược và các vật chất khác cùng hơn 17.000 lượt cán bộ chiến sĩ chi viện chiến trường miền Nam. Theo Đại tá, TS. Vũ Tang Bồng, con số đó tuy không thể so sánh với đường Hồ Chí Minh trên bộ nhưng lại có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. “Hiệu quả vận chuyển của tuyến đường này đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa địch và ta”.

Thành công của Đường Hồ Chí Minh trên biển còn thể hiện trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến. Bởi, cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển tạo thành hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược của chiến trường Nam Bộ: Cánh Đông và cánh Tây. Mỗi tuyến vận tải chiến lược có vị trí, vai trò khá độc lập, nhưng đặt trong tổng thể, đã tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch chủ đạo và hoàn chỉnh để chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng quân thù. Đây còn là tuyến duy nhất vận chuyển, cơ động lực lượng giải phóng các đảo trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc từ năm 1975 đến nay.

Hương Sen