Nông sản Hải Dương

"Nghẽn mạch" lưu thông, nguy cơ mất trắng 2.000 tỷ đồng

- Thứ Tư, 24/02/2021, 06:19 - Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân chiều 23.2, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương Phạm Thanh Hải cho biết: Tỉnh đang rộ thu hoạch cây vụ đông, ước tính tổng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chưa có hướng dẫn thống nhất trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn đang khiến tỉnh có nguy cơ mất trắng 2.000 tỷ đồng.

80% hàng nông sản được tiêu thụ ngoài tỉnh

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương Phạm Thanh Hải cho biết: Hiện, các địa phương như Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh… đều đã tạo thuận lợi cho lưu thông, tiêu thụ hàng hóa của Hải Dương, ngoại trừ Hải Phòng. “Tôi vừa nhận được phản hồi của doanh nghiệp cho biết từ sáng 23.2, Hải Phòng yêu cầu lái xe từ Hải Dương phải có giấy xét nghiệm PCR 3 lần âm tính với Covid-19 thay vì xét nghiệm một lần vào, một lần ra như quy định của Bộ Y tế. Đây thực sự là điều kiện đánh đố doanh nghiệp, vì để có đủ số giấy đó cần tới khoảng 10 ngày, đồng nghĩa phải mất 10 ngày mới chạy được một chuyến hàng từ Hải Dương qua Hải Phòng. Trong khi đó, các mặt hàng nông sản nếu để lâu sẽ bị hỏng, không tiêu thụ được. Chưa kể, với các bạn hàng theo hợp đồng nếu không thực hiện đúng sẽ bị phạt, mất hợp đồng. Như vậy ai sẽ vận chuyển nữa?”, ông Hải cho biết.

Hải Dương có nguy cơ mất 2.000 tỷ đồng do chưa có hướng dẫn thống nhất về vận chuyển hàng hóa trong dịch Covid-19
Nguồn: Báo Tiền Phong

Tỉnh Hải Dương đang vào thời kỳ rộ thu hoạch cây vụ đông với giá trị ước tính khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Cây vụ đông cũng là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân trong tỉnh. Hiện, tỉnh đã thu hoạch được hơn 50%. “Có tới 80% mặt hàng nông sản của Hải Dương dùng để tiêu thụ ở các tỉnh khác và xuất khẩu. Trong khi đó, Hải Phòng là đường chính để đưa hàng hóa của Hải Dương ra bên ngoài. Nếu Hải Phòng không sớm gỡ bỏ quy định "đánh đố", đồng thời không có hướng dẫn thống nhất về lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh thì Hải Dương có thể thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng đối với cây vụ đông”, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương lo lắng.

Không nên đánh đồng hàng hóa Hải Dương đều có dịch

Trên thực tế, để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tỉnh Hải Dương đã áp dụng biện pháp thông thoáng với khâu vận chuyển. Theo đó, thay vì tài xế phải có xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) âm tính với Covid-19 thì tỉnh chỉ yêu cầu phòng dịch là số một đối với tài xế, phương tiện, hàng hóa, tức phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc phòng dịch. Tỉnh cũng chỉ đạo CDC Hải Dương tăng cường quy mô, năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các tài xế và trả kết quả tối đa sau 24 giờ để họ sớm vận chuyển hàng hóa.

Mới đây nhất, ngày 21.2, Bộ Công thương cũng đã có Công văn số 901/BCT-TTTN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác; hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh…

Tuy vậy, đại diện tỉnh Hải Dương xác nhận, mặc dù tỉnh đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa từ ngày 16.2 song đến nay phản ứng của các bộ, ngành, một số địa phương vẫn còn chậm. Do đó, tỉnh rất cần sự can thiệp sớm của Chính phủ để tạo sự thống nhất thực hiện, bởi nếu tiếp tục chậm và dịch tiếp tục xảy ra ở nơi khác sẽ gây hậu quả nặng nề.

“Trước mắt, nên có giải pháp cụ thể đối với việc lưu thông hàng hóa của Hải Dương, không nên đánh đồng tất cả hàng hóa của Hải Dương đều có dịch, bởi lẽ dịch không xảy ra ở tất cả huyện, thị, thành phố, xã, thôn”, ông Phạm Thanh Hải đề xuất.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần xem xét lại điều kiện phòng, chống dịch đối với tài xế vận chuyển hàng hóa. Theo Công văn số 898/BYT-MT ngày 7.2.2021 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa nêu rõ: Tổ chức xét nghiệm Covid-19 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về).

“Trong khâu vận tải, xe chuyển hàng nông sản của Hải Dương có thể đến từ nhiều tỉnh, thành phố và có thể đi qua nhiều tỉnh, thành phố khác. Vậy tài xế phải lấy xét nghiệm PCR ở đâu thì chưa có hướng dẫn. Ngay cả việc lấy mẫu xét nghiệm này cũng không cần thiết, bởi các lái xe thường ở doanh nghiệp, mà Bộ Y tế đã để các doanh nghiệp phải tự đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch và phải đủ điều kiện mới được hoạt động. Do đó, thay vì yêu cầu lái xe phải có xét nghiệm PCR âm tính Covid-19 như Công văn số 898/BYT-MT, Bộ Y tế có thể yêu cầu tài xế phải kiểm tra Covid-19 sau 5, 7 hoặc 10 ngày sẽ hợp lý hơn”, ông Hải kiến nghị.

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt nông sản của Hải Dương vốn đang vào thời kỳ rộ thu hoạch là phải hỗ trợ xét nghiệm nhanh, nhiều nhất có thể cho đội ngũ tài xế. Đồng thời, cần hỗ trợ phương tiện, container, kho bảo quản để vận chuyển hàng hóa của Hải Dương.

Về lâu dài, cần xây dựng các kho bảo quản lớn đối với các vùng sản xuất nông sản, đặc biệt là vùng sản xuất tập trung, có mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 không biết khi nào mới kết thúc nên cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, phải tạo kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, phải xây dựng liên minh hợp tác xã để điều tiết sản xuất, tiêu thụ. Mặt khác, Chính phủ cần nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm xuất khẩu. Khi đó, tình trạng “giải cứu” nông sản khi có dịch bệnh, nếu không sẽ bỏ phí, bỏ hoang sẽ không còn xảy ra.

Ngày 23.2, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã ký công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Hải Dương phản hồi phương án lưu thông hàng hóa mà tỉnh Hải Dương đề xuất tại văn bản gửi ngày 21.2.

Theo UBND TP Hải Phòng, không cần thiết thực hiện phương án mà UBND tỉnh Hải Dương đề xuất (phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương đến tập kết tại khu vực chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng để lại xe và lái xe từ phía Hải Phòng đến điều khiển phương tiện lưu thông vào địa bàn Hải Phòng; có thể đổi đầu kéo và lái xe đi từ tỉnh Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe từ TP Hải Phòng). Lý do bởi lái xe cùng phương tiện vận tải hàng hóa của tỉnh Hải Dương cũng như lái xe của Hải Phòng đi tỉnh Hải Dương khi trở về vẫn được vào Hải Phòng, trên cơ sở bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch mà thành phố đã hướng dẫn. Cụ thể, lái xe và phụ xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 bằng phương pháp PCR trong thời gian 3 ngày gần nhất, theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản số 4995 ngày 20.9.2020.

Vũ Thủy