Nghị định 52: “Liều thuốc” chưa đủ mạnh?

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 08:07 - Chia sẻ
Tại tọa đàm trực tuyến “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 17.6, có ý kiến cho rằng với những cải tiến đáng kể, Nghị định 52 như liều thuốc quý giúp doanh nghiệp “hồi sức” trước đại dịch. Ngược lại, có chuyên gia khẳng định “liều thuốc” này chưa đủ mạnh bởi nhiều giải pháp không tới được doanh nghiệp.

Cộng dồn gánh nặng? 

Năm 2020 đi qua nhưng những khó khăn còn hiện hữu với doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để hỗ trợ kịp thời, tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP với nội dung chủ yếu là gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 cho nhiều đối tượng.

Theo Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thị Thu Hà, tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định 52 là 115 nghìn tỷ đồng. Thực thi Nghị định đồng nghĩa với việc huy động tiền vào ngân sách sẽ chậm hơn nhưng trong bối cảnh đại dịch để lại những tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế, Chính phủ luôn mong muốn chia sẻ gánh nặng cùng các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu đánh giá, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực thi các chính sách hỗ trợ ở Nghị định 41 đã được Chính phủ và cơ quan thuế tiếp thu, tháo gỡ. Theo đó, Nghị định 52 đã mở rộng thêm đối tượng, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính. Tuy nhiên, dù mới đi vào thực thi, Nghị định này cũng bộc lộ những bất cập.

Trước hết, Nghị định 52 chỉ tạm lùi thời gian thực hiện chính sách. Như vậy, sau khi thời hạn tạm hoãn kết thúc vào cuối năm 2021, gánh nặng tài chính của doanh nghiệp sẽ bị cộng dồn. Trong kịch bản xấu nhất là dịch bệnh chưa được khống chế, doanh nghiệp tiếp tục phải gồng gánh khó khăn thì áp lực về thuế sẽ tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy họ sẽ rất ngần ngại khi đưa ra quyết định có nên thụ hưởng chính sách này hay không.

Bên cạnh đó, so với kỳ vọng về các chính sách chung để hỗ trợ doanh nghiệp thì Nghị định 52 mới chỉ giải quyết được phần nào. Theo đó, có bốn chính sách về thuế được lùi thời hạn là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình và tiền thuê đất. Có rất nhiều bất cập có thể xảy ra, chẳng hạn, rất nhiều doanh nghiệp trả tiền thuê đất theo năm, như vậy đối tượng được thụ hưởng bị giảm đi. Và dù đã có cải thiện nhưng trong Nghị định chưa có điều khoản nào thực sự rõ ràng để giảm thiểu rủi ro về pháp lý. Theo ông Hiếu, Nghị định 52 chưa phải là một “liều thuốc” đủ mạnh bởi còn nhiều giải pháp không tới được doanh nghiệp.

Không dồn, gộp các khoản thuế

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam cho biết, chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ năm 2020 đến nay có rất nhiều. Chính sách nào có giá trị và ý nghĩa thiết thực thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia hưởng ứng. Giá trị ở đây không chỉ là tiền hay kinh phí mà còn là ý nghĩa về mặt thời gian, thuận tiện, thủ tục nhanh gọn, phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách hỗ trợ cần khác với chính sách chung khác. Ví dụ như, chính sách thuế chung phải bảo đảm tính trung lập, sự bình đẳng, còn chính sách hỗ trợ phải quan tâm đến tính hiệu quả, làm sao cho đối tượng được hưởng lợi tốt nhất.

Theo đó, ông Tô Hoài Nam đề xuất Chính phủ nên áp dụng các chính sách lâu dài và đột phá. Chẳng hạn, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lựa chọn hình thức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 - 3% doanh thu của năm đối với doanh nghiệp có doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Đồng thời, miễn giảm, bãi bỏ một số thủ tục mở sổ sách, kế toán cho nhóm doanh nghiệp này. Hơn hết, Nghị định 52 cần kéo dài thời gian trong việc kê khai thêm 6 tháng nữa, thời hạn nộp thuế cũng được “cơi nới” tương ứng để Nghị định có thể phát huy hết ý nghĩa hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp.

Phản hồi đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, hiện đã có chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, người nộp thuế đã được giảm thiểu nhiều sổ sách, chứng từ và ngành thuế cũng đang tiến tới việc xác định nộp thuế theo doanh thu. Về câu chuyện đề xuất kéo dài thời hạn gia hạn, theo bà Hà, đó là câu chuyện cân bằng giữa các loại chính sách, theo hướng vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích, không để doanh nghiệp ỷ lại.

Đối với băn khoăn doanh nghiệp sẽ bị cộng dồn về gánh nặng tài chính, bà Hà cho biết, doanh nghiệp cần có sự lường trước các khó khăn và chủ động tính toán, chuẩn bị về tiền nộp thuế. Việc gia hạn nộp thuế cũng sẽ theo từng khoản chứ không cộng dồn. Ví dụ tiền thuê đất, hạn nộp của doanh nghiệp là 31.5 thì được gia hạn 6 tháng tới 31.11 mới phải nộp, trong khi tiền thuê đất đợt 2 là 31.10 sẽ tiếp tục được gia hạn thêm 6 tháng nữa. Điều đó có nghĩa là tiền nộp thuế sẽ được gia hạn theo từng giai đoạn, từng thời điểm để người nộp có thể chủ động về dòng tiền.

Để được áp dụng chính sách, doanh nghiệp có thể chỉ dùng 1 tờ khai đề nghị gia hạn cho nhiều loại thuế và áp dụng được cho nhiều kỳ khác nhau. Nếu người nộp thuế có hoạt động kinh doanh ở nhiều địa bàn khác nhau thì ngành thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin quản lý thuế giữa các địa bàn để xác định thông tin gia hạn, người nộp thuế không phải gửi đến nhiều cơ quan thuế khác nhau. Đây được đánh giá là những cải tiến đáng kể trong thủ tục hành chính khi triển khai Nghị định 52. Và khi doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, từng lĩnh vực sẽ chịu các tác động, ảnh hưởng khác nhau về nhân lực, giao thương, nguyên vật liệu, khách hàng,… Do đó, để các chính sách được thực thi hiệu quả rất cần sự chung tay của các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Trang