Nghĩ khác!

- Thứ Sáu, 24/09/2021, 06:00 - Chia sẻ
Có lẽ bây giờ là thời điểm chuyển trạng thái của nhân loại sau gần 2 năm đại dịch Covid - 19 hoành hành với khoảng 4,5 triệu người ra đi vĩnh viễn. Nhiều giá trị cũ dường như đang nhường chỗ cho những giá trị mới, phù hợp hơn với tình hình mới. Tại điểm giao thời thường xuất hiện những ý tưởng mới hay suy ngẫm lại những ý tưởng trước đó.

Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn tới được hình thành sau hơn 3 thập kỷ phát triển ổn định ở mức cao nên chứa đựng những mục tiêu đầy tham vọng. Tuy nhiên, sau 2 năm với 4 đợt dịch bùng phát, trong đó đợt 4 kéo dài nhất và để lại nhiều hậu quả nặng nề nhất nên bây giờ, sau một thời gian vật lộn với đại dịch, những nhà hoạch định chính sách cần tĩnh tâm lại để tìm hiểu xem người dân và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn gì nhất trong lúc này, từ đó xây dựng chính sách cho phù hợp, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và mong đợi của người dân.

Vào lúc này, điều đầu tiên người dân mong muốn chính là cuộc sống an toàn và ổn định, cụ thể là an toàn về sức khỏe và ổn định về thu nhập. Tất nhiên, bảo đảm được mong muốn đó trong bối cảnh hiện nay là không dễ dàng và chỉ Nhà nước thôi cũng khó mà thực hiện trọn vẹn được.

Để thực hiện được mong muốn đó, các chính sách về y tế phải đạt độ bao phủ hầu hết các tầng lớp dân cư, trong đó ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho những đối tượng yếu thế, thu nhập thấp, người nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau một giai đoạn (2007 - 2016) tích cực đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho hệ thống bệnh viện tuyến huyện và chuyên khoa tuyến tỉnh, trạm xá xã trong toàn quốc, một số bệnh viện Trung ương đầu ngành cơ sở 2 thì gần đây, tốc độ đầu tư công cho y tế đang chậm lại, nhiều cơ sở y tế công lập phải chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính.

Đại dịch Covid - 19 chính là phép thử cho hệ thống y tế của chúng ta và những bất cập, khiếm khuyết đã bộc lộ, cả về năng lực, hạ tầng kỹ thuật, tài chính y tế. Với diễn biến dai dẳng của dịch bệnh và liên tục xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-Cov-2, có lẽ cần sớm thành lập bộ máy chuyên trách, thường trực phòng, chống dịch Covid-19 (như mô hình Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay ở Trung ương và địa phương) và hình thành khoa điều trị Covid-19 tại các bệnh viện. Hành vi của người dân cũng thay đổi khi mọi người trở nên cảnh giác hơn với dịch bệnh, hình thành các thói quen sống lành mạnh, sạch sẽ, biết chăm lo cho sức khỏe của cá nhân cũng như cộng đồng.

Để ổn định thu nhập cho người dân thì trước mắt, các “tế bào” kinh tế là hộ kinh doanh, doanh nghiệp cần sống sót được qua thời kỳ giãn cách xã hội kéo dài quá lâu, chi phí duy trì sản xuất cao vì các biện pháp chống dịch bệnh lây lan, mất hợp đồng, thị trường, bạn hàng truyền thống, giá cả nguyên, nhiên vật liệu và logistics tăng cao… Các gói hỗ trợ của Chính phủ cần thực chất hơn, sát với thực tế hơn thông qua các chính sách thuế, phí, lãi suất, lao động. Chính sách cần cân bằng giữa diện rộng và tập trung cá biệt cho một số ngành nghề có tỷ trọng xuất khẩu lớn, giá trị cao, sử dụng nhiều lao động như điện tử, dệt may, thủy sản, công nghiệp chế biến… để hỗ trợ ổn định vĩ mô. Phải chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, cản trở sản xuất, kinh doanh, loại bỏ các chi phí “bôi trơn” mà cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị. Môi trường đầu tư phải được chú trọng để thu hút các nguồn vốn trong, ngoài nước. Ngoài các quy định chung, chính quyền cần có cách tiếp cận riêng, theo phân cấp đối với các dự án lớn của tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật như năng lượng sạch, giao thông thủy bộ, thủy lợi, cấp thoát nước, y tế, giáo dục để làm hạt nhân, đòn bẩy cho giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế địa phương và lan tỏa đến các ngành nghề phụ trợ khác. Đây là những cơ hội không thể bỏ qua với các địa phương khi thời gian vật chất của nhiệm kỳ sẽ trôi qua rất nhanh dưới áp lực của các mục tiêu phát triển. 

 Bây giờ không phải lúc phàn nàn mà phải hành động. Các cơ quan công quyền phải hành động một cách dũng cảm với lý trí và động cơ trong sáng, tất cả vì cuộc sống của người dân và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, khắc phục tâm lý e ngại, né tránh, đùn đẩy vì e sợ “lò nóng”. Có như vậy mới kích hoạt được từng “tế bào” của xã hội là gia đình và “tế bào” của nền kinh tế là doanh nghiệp nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Niềm tin vào bản thân, vào những người xung quanh, vào tương lai tươi đẹp của đất nước chính là nguồn năng lượng bất tận cho những suy nghĩ tích cực và ý tưởng sáng tạo nhất. Không thể thay đổi tất cả ngay lập tức nhưng nếu có niềm tin và lao động không mệt mỏi, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra ở quy mô gia đình, doanh nghiệp, địa phương, ngành hay quốc gia.

TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách