Nghi lễ cắt tóc cho trẻ em dân tộc Thái

- Thứ Năm, 21/10/2021, 16:25 - Chia sẻ
Với nhiều cộng đồng người Thái ở miền núi Nghệ An, một đứa trẻ lần đầu được cắt tóc là trong ngày lễ đặt tên cho mình. Nhúm tóc nhiều khi được giữ lại như một kỷ vật theo suốt nhiều tháng năm trong cuộc sống sau này.
	Lễ gọi vía trong ngày đặt tên của người Thái ở Xá Lượng - Tương Dương
Lễ gọi vía trong ngày đặt tên của người Thái ở Xá Lượng - Tương Dương

Hai tuần tuổi, bé Vi Minh Long lần đầu tiên được cắt tóc. Minh Long là con thứ ba và là con trai đầu tiên của anh Vi Văn Nhân, chị Trần Thị Ngân ở bản Nam Sơn, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Dù nhịp sống tân thời đã xâm lấn mọi ngõ ngách từ đời sống vật chất đến tinh thần, song cộng đồng người Thái trên 200 hộ dân ở đây vẫn giữ những tập tục cổ xưa, trong đó có nghi lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh.

 Theo truyền thống lâu đời của người bản địa, một đứa trẻ thường chào đời trong gian bếp. Khi người mẹ chuyển dạ, người nhà dọn một chỗ cạnh bếp lửa để bà mẹ vượt cạn và thường chỉ có sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm trong cộng đồng. Sau khi sinh, người mẹ và em bé sẽ ngủ lại căn bếp này cho đến khi diễn ra lễ đặt tên. Người ta lót một số loại lá rừng được cho là có thể giúp người mẹ tránh các bệnh như đau lưng hoặc tai nạn sau sinh. Người mẹ phải ăn kiêng và uống nước lấy từ một số loại cây rừng. Người mẹ chỉ được bế con ra khỏi bếp trong ngày đặt tên, nên lễ này còn gọi là “óc khọ” (ra khỏi gian bếp).

Đó chỉ là truyền thống xa xưa và đã mai một từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến đầu thế kỷ XXI, phong tục này không còn nữa. Ngày nay, gần như mọi đứa trẻ trong các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Nghệ An đều được sinh ra ở bệnh viện. Những cái tên cũng được chọn trước để làm giấy khai sinh. Việc ăn kiêng cũng đã giảm. Chẳng còn người mẹ nào phải nằm cạnh bếp lửa trong những ngày đầu sau sinh. Tuy vậy, nghi lễ đặt tên vẫn được duy trì.

Người Thái ở xã Chi Khê tin rằng, một đứa trẻ mới sinh ra, linh hồn của nó còn non nớt, vụng dại, dễ đi lạc, dễ bị rủ rê. Vì thế, cho đến trước ngày diễn ra lễ đặt tên, người ta treo dưới gầm nhà sàn một hình nộm mang cung tên hòng ngăn cản những hồn vía khác đến bắt nạt hoặc rủ rê đứa trẻ đi cùng. Hình nộm chỉ được vứt bỏ khi đã xong các nghi lễ trong ngày đặt tên. 

Việc định ngày làm lễ cho các bé trai và bé gái cũng khác nhau và thường do các thầy mo, thầy cúng hay người có kinh nghiệm trong dòng họ lựa chọn. Đó là sự kiện lớn đầu tiên trong đời một đứa trẻ khi gia đình đón họ hàng nội ngoại, hàng xóm, láng giềng đến chia vui mà đứa trẻ là trung tâm của sự kiện.

Để có đủ thực phẩm bày cỗ, gia chủ có thể mổ lợn, thậm chí là bò, nhưng mâm cúng thường không thể thiếu gà, rượu, đặc biệt là những bát thuốc được bà mẹ dùng trong thời gian ở cữ và sau sinh.

	Bà mối làm lễ cắt tóc cho cháu Vi Minh Long - Ảnh Hữu Vi
Bà mối làm lễ cắt tóc cho cháu Vi Minh Long
Ảnh Hữu Vi

Trước khi diễn ra lễ cúng chính, người chủ lễ - thầy cúng - cầm theo những chiếc áo của đứa trẻ đến một địa điểm thường là ngã ba đường, nơi dẫn vào bản để cúng gọi vía đứa trẻ về. Đồng bào Thái tin rằng có thể vía đứa trẻ đang lang thang đâu đó. Sau đó, vía đứa trẻ được dẫn lên nhà theo cầu thang mà bậc được kết bằng những cây dâu. Cũng như người Kinh, người Thái ở Chi Khê tin rằng cây dâu sẽ giúp xua đuổi những hồn ma bám theo đứa trẻ về nhà.

Sau lễ cúng để đứa trẻ ra mắt tổ tiên và tạ ơn thần linh cai quản những cây thuốc quý, đứa trẻ được chọn một cái tên. Tên có thể do họ ngoại của đứa trẻ đặt. Ngày nay, việc chọn tên thường bị bỏ qua vì phần lớn trẻ sơ sinh đã được cha mẹ, người thân chọn cho trước đó. Bé Minh Long nói ở trên cũng không phải ngoại lệ.

Cắt tóc là nghi lễ sau cùng của ngày lễ đặt tên. Việc này thường do bà mối, một trong những người đại diện cho nhà trai đi hỏi vợ cho cha đứa trẻ. Bà mối cầm kéo cắt 3 nhúm tóc trên đầu đứa trẻ và nói lời cầu chúc cho trẻ được mạnh khỏe, cuộc sống về sau hanh thông. Búi tóc thường được cha mẹ gói lại rồi đem cất kỹ để đánh dấu lần đầu tiên cắt tóc trong đời của một đứa trẻ.

Bài và ảnh: HỮU VI