Nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm

- Thứ Bảy, 18/05/2013, 08:27 - Chia sẻ
Bảo vệ môi trường không chỉ là ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn xuất phát từ những hành động thiết thực như chống lãng phí thực phẩm. Điều đó thể hiện qua chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới 2013: “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” (Think.Eat.Save).

Từ chống lãng phí...

Theo nhận định của các chuyên gia, chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” rất sát với thực tiễn và có liên quan chặt chẽ tới lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm và lựa chọn những loại thực phẩm ít ảnh hưởng tới môi trường sống. Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), có gần một phần ba sản lượng lương thực toàn cầu bị mất mát hoặc lãng phí tức gần 1,3 tỷ tấn mỗi năm trong khi đó nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người dân lại càng gia tăng đòi hỏi phải sản xuất nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả các nguồn tài nguyên và những yếu tố đầu vào được sử dụng trong quá trình sản xuất cũng bị tiêu hao. Đó là nguyên nhân lớn nhất của mất đa dạng sinh học và thay đổi loại hình sử dụng đất. Song, không chỉ đơn thuần là tiêu tốn đất, nước, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học mà việc lãng phí còn gây nên nạn phá rừng, mất đất, đặc biệt là gia tăng hiệu ứng nhà kính. Trên thực tế việc sản xuất lương thực, thực phẩm chiếm 25% diện tích đất lưu trú, tiêu tốn khoảng 70% lượng nước ngọt, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nguy cơ tiềm ẩn từ lãng phí thực phẩm thật đáng lo ngại, thế nhưng “ít ai để ý tới điều đó trong khi nó đang diễn ra tại khắp mọi nơi, cả ở những nước có nền công nghiệp tiên tiến tới những quốc gia đang phát triển” - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường, Tổng cục Môi trường Trần Phong nhấn mạnh.


Nguồn: vea.gov.vn

Các nghiên cứu cho thấy, lương thực có thể bị lãng phí trước hoặc sau khi đến tay người tiêu dùng. Ở các nước nghèo, phần lớn lương thực bị mất mát trước khi được sử dụng. Khoảng 15 -35% lương thực bị thất thoát trên các cánh đồng, khoảng 10 - 15% bị mất mát trong quá trong chế biến, vận chuyển và lưu giữ mà nguyên nhân tổn thất chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính, công nghệ và kỹ thuật thu hoạch, bảo quản trong điều kiện khó khăn về khí hậu, cơ sở hạ tầng, hệ thống phân phối. Trong khi đó, với những quốc gia phát triển, thực phẩm ít bị thất thoát hơn do quá trình sản xuất hiệu quả nhưng người dân sử dụng lãng phí nhiều hơn do không nhận thức được các nguồn tài nguyên dùng cho sản xuất, vận chuyển, chế biến nguồn thức ăn đang ngày càng cạn kiệt, trong đó có tài nguyên nước. Tuy nhiên, dù ở bất cứ nơi đâu, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, xóa bỏ quan niệm “núi sông còn đó, lo gì không có củi đun” của cộng đồng sẽ góp phần làm giảm gánh nặng lên môi trường tạo cân bằng trong lối sống, sinh hoạt.

… tới lựa chọn thông minh

Thay đổi nhận thức phải đi liền với những hành động thiết thực nhằm giảm lãng phí lương thực, tiết kiệm tài chính, giảm tối đa các tác động đến môi trường từ việc sản xuất lương thực và thúc đẩy quá trình tiêu thụ thực phẩm hiệu quả hơn. Bên cạnh hoạt động tiết kiệm thực phẩm, chống lãng phí, cân nhắc trước khi lựa chọn thực phẩm cũng là nội dung quan trọng của chủ đề này. “Ăn chay được xem là cách sống xanh, là hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường” - Thứ trưởng Bộ TN- MT Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chăn nuôi và giết động vật chiếm 18% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các chất khí gây hiệu ứng nhà kính như methane, cacbon đai ốc xai và nitrous oxide, có liên quan đến tình trạng trái đất nóng dần lên làm biến đổi khí hậu. Điều đáng nói là lượng chất khí thải này lớn gấp nhiều lần so với các nguồn khí thải từ các hoạt động công nghiệp khác. Bên cạnh đó, để cung cấp các nguồn thức ăn cho động vật nuôi, loài người đã tàn phá rất nhiều rừng để phục vụ trồng trọt và chăn thả gia súc, gia cầm. Ngoài ra, ngành chăn nuôi còn gây lãng phí hầu hết nguồn nước, năng lượng, đất đai và tạo ra một gánh nặng vô cùng lớn cho môi sinh trên địa cầu. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra lũ lụt, hạn hán ở nhiều nơi trên thế giới. Điều đó lý giải vì sao việc ăn chay, chỉ tiêu thụ ngũ cốc và hạt cũng góp một phần vào bảo vệ môi trường.

Lựa chọn thông minh cần phải song hành với sử dụng hiệu quả để từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đôi khi chỉ từ những hành động rất nhỏ như sử dụng các loại rau quả chất lượng được sản xuất tại địa phương nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển hay bảo quản thực phẩm đúng cách. Quan trọng hơn là cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội, cả khu vực công và tư, đòi hỏi chuỗi cung cấp thực phẩm phải được tăng cường, cùng với đó khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất tốt hơn, hỗ trợ ứng dụng các kỹ thuật canh tác và thu hoạch hiệu quả, cân đối giữa nhu cầu thị trường và sản xuất. Đồng thời việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, chế biến và đóng gói thực phẩm cũng cần được chú ý nhiều hơn. Thực hiện kiểm soát xử lý chất thải cũng như phối hợp hiệu quả giữa các siêu thị với các nhà cung cấp nhằm giảm giá các mặt hàng sắp hết hạn tránh thải bỏ gây lãng phí và tăng cường gây quỹ chia sẻ thực phẩm thực sự là giải pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thu Trang