Hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

Nghĩa đồng bào

- Chủ Nhật, 08/08/2021, 07:54 - Chia sẻ
Nhằm chia sẻ cùng TP. Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh, ổn định tình hình, các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực. Bên cạnh việc đón công dân về tỉnh, tăng cường chi viện đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị y tế, lương thực và thực phẩm... đến với người dân TP. Hồ Chí Minh.

Linh  hoạt  trong  cách  hỗ  trợ

Trước  diễn biến phức tạp  của đại dịch Covid-19 tại  TP.  Hồ  Chí Minh - nơi  có  số  lượng  lao  động  đến từ các tỉnh, thành  phố lớn, các địa phương đã kịp thời có những giải pháp đón công dân của mình nhằm giảm gánh nặng cho thành phố. Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận công dân trở về địa phương, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng các cơ sở cách ly y tế tập trung phòng chống dịch quy mô đến 20.000 giường tại tất cả thành phố và các huyện; bảo đảm chế độ ăn đúng tiêu chuẩn 80.000 đồng/người/ngày. Tính từ ngày 22.6 đến ngày 6.8, số trường hợp đi từ vùng có dịch về Vĩnh Phúc là 7.619 người, trong đó nhiều nhất là từ Hà Nội với 4.125 người, tiếp đến từ TP. Hồ Chí Minh 1.844 người, còn lại là từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và các vùng dịch khác. Đại  diện  Sở  Y tế Vĩnh Phúc cho biết, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm 6.069 trường hợp, trong  đó có 120 trường hợp dương  tính với Covid-19; 5.949 trường hợp âm  tính), các trường hợp còn lại không lấy mẫu do sau khi sàng lọc thấy không phải về từ vùng dịch.

Tỉnh Vĩnh Phúc kêu gọi ủng hộ TP.Hồ Chí Minh
Tỉnh Vĩnh Phúc kêu gọi ủng hộ TP. Hồ Chí Minh

Còn đối với tỉnh Nghệ An, địa phương được đánh giá có số lượng lớn người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại các tỉnh phía Nam, chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh. Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An Trần Phi Hùng cho biết: để hỗ trợ công dân tỉnh Nghệ An tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam đang bị giãn cách xã hội, gặp khó khăn có nhu cầu và nguyện vọng cấp thiết trở về địa phương, từ ngày 23.7 tỉnh đã ra mắt website http://dangkyveque.nghean.gov.vn và đã có hơn 20.000 người đăng ký về quê. Tỉnh Nghệ An đã chia ra 2 nhóm đối tượng được miễn phí và phải trả phí, điều kiện là phải có phiếu xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay tại điểm đón TP. Hồ Chí Minh. Tính đến hết ngày 6.8, Nghệ An tổ chức được 3 chuyến bay, đón miễn phí hơn 400 người. 

Anh  Trần Văn Mạnh, xóm Dương Phổ, xã Trung Phúc Cường, huyện  Nam Đàn là  một  trong  những  người  may  mắn  biết được thông tin trên, nên  đã  sớm  đăng ký về quê trên trang thông tin của tỉnh Nghệ An ngay sau khi tỉnh có kế hoạch đón lao động ở các tỉnh phía Nam trở về. Với thu nhập chỉ hơn 6 triệu đồng nên Mạnh chỉ đủ sinh sống, từ đầu tháng 6 khi dịch bùng phát ở TP.  Hồ Chí Minh, công ty không có việc, tạm thời cho lao động nghỉ việc không lương, cuộc  sống  khó  khăn  rất  nhiều. anh Mạnh chia  sẻ, em  đã  suy  nghĩ  rất  nhiều  trước  quyết  định  về  quê. Nếu  chăm chỉ chịu khó thì mình vẫn có thể kiếm việc làm lại được ở gần bố mẹ, gia đình. Giờ em chỉ mong về quê an toàn.

Những  chuyến  xe  đầy  ắp  yêu thương

 Cũng  là  một  trong  những  tỉnh  có  số  lượng  công  dân  đi  lao  động tại các  tỉnh, thành  phố  là  trung  tâm  dịch, tỉnh Thanh Hóa tính đến ngày 30.7 cũng đã tổ chức đón và tiếp nhận gần 15.000 công dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trở về địa phương

Ngoài việc  tổ  chức  đón  lao động  về  địa phương, nhiều  tỉnh, thành  phố  trong  cả  nước còn có nhiều hoạt động thiết  thực hỗ trợ TP. Hồ  Chí Minh chống dịch. Những chuyến bay chở các y bác sĩ, vật tư y tế chi viện cho thành phố, những chuyến xe chở lương thực, thực phẩm từ khắp các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đến miền Tây Nam Bộ... các chuyến xe yêu thương đầy ắp hàng hóa với đích đến TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân chống dịch.

Điển hình, chỉ sau thư ngỏ kêu gọi các anh chị em đồng nghiệp chung tay tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, 1 ngày sau đã có hơn 1.300 lượt người đăng ký tham gia. Trong đó đối tượng bác sĩ có trình độ Đại học gần 300 người, dược sĩ 200 người, các ngành nghề khác gần 700 người. Tính đến ngày 28.7 đã có 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên. Ngoài ra còn có hơn 30 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được điều động trực tiếp hỗ trợ tất cả các quận, huyện triển khai các hoạt động chống dịch. Bộ Y tế  cũng đã kịp  thời gửi  vào TP. Hồ  Chí  Minh 30 máy thở, 1 máy lọc thận, 45 monitor theo dõi bệnh nhân, hệ thống xét nghiệm sinh hóa huyết học, 80 bơm tiêm điện, 80 máy chuyền dịch…  Gần  đây  nhất, ngày  6.8, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Lễ ra quân tiễn đoàn công tác gồm 50 cán bộ y tế lên đường chi viện cho TP. Hồ  Chí  Minh chống dịch Covid-19.

Bằng nhiều cách thức, các địa phương cũng đã có nhiều cách hỗ trợ TP. Hồ  Chí Minh. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam Nguyễn Mạnh Tiến cho biết: sáng ngày 6.8, chuyến hàng trị giá 600 triệu đồng của Hà Nam cũng lên đường giúp nhân dân TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Trước đó, tỉnh này cũng đã chuyển hỗ trợ TP. Hồ  Chí  Minh  1 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình Đinh Thị Ngọc Lan cũng chia sẻ, tỉnh đã công bố đường dây nóng 18008073 cho nhân dân Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh có thể liên hệ đề nghị được hỗ trợ, chỉ ít ngày đã nhận được trên 10.000 cuộc gọi. Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã chuyển 3 tỷ đồng để hỗ trợ gia đình khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh, theo suất 1 triệu đồng/hộ của đợt 1, đợt 2 từ ngày 4.8 đến nay đã triển khai hỗ trợ thêm được cho 1.500 hộ với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng.

Từ Thức