Nghịch lý ứng dụng công nghệ

- Thứ Năm, 29/04/2021, 06:58 - Chia sẻ
Không thể phủ nhận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác dữ liệu giám sát hành trình trong lĩnh vực giao thông vận tải đã và đang giúp ngành chức năng cũng như cán bộ trong lĩnh vực này quản lý được các vi phạm về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe, xe không truyền dữ liệu. Tuy nhiên, một nghịch lý cần sớm được khắc phục là trong khi ứng dụng công nghệ trong giám sát hành trình đối với phương tiện vận tải đã được thực hiện, song quá trình các tác nghiệp xử lý vi phạm vẫn phần lớn được thực hiện thủ công, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Có thể thấy từ hơn 10 năm nay, kể từ khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định "Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe", nhờ những giải pháp công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực giao thông đã góp phần không nhỏ trong việc hiện đại hóa công tác quản lý điều hành và mang đến nhiều tiện ích thiết thực trong quản lý giao thông nói chung.

Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh, số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an thành phố này từ ngày 16.12.2020 - 31.3.2021 cho thấy, lực lượng Cảnh sát giao thông ghi nhận được 35.633 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh. Hiện đã có 5.091 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, đạt tỷ lệ 14,28%, nộp vào Kho bạc Nhà nước hơn 5,5 tỷ đồng; còn đến 85,72% trường hợp vi phạm chưa nộp phạt.

Tương tự, tại Hà Nội, qua kết quả khai thác dữ liệu giám sát hành trình từ hệ thống thông tin, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng gần đây có tới gần 366.300 phương tiện vi phạm các lỗi về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe và công tác truyền dữ liệu. 

Dẫu vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thiếu giám sát trong quản lý cũng đã làm nảy sinh nhiều bất cập. Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội, kết quả giám sát trong 4 tháng qua, đơn vị đã phát hiện hơn 3.700 xe vi phạm về tốc độ, vi phạm về thời gian làm việc của lái xe là gần 90.300 xe. Đặc biệt, có hơn 272.200 xe vi phạm về truyền dữ liệu thiết bị giám (không truyền dữ liệu từ 10 ngày trở lên).

Viện dẫn nguyên nhân của tình trạng trên, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều lý do như do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu sử dụng phương tiện dẫn đến một số lượng lớn xe dừng hoạt động; thiết bị giám sát hành trình hỏng; xe đi vào vùng không có tín hiệu; xe gặp sự cố; xe thanh lý không báo cáo; công tác bảo dưỡng sửa chữa, theo dõi và cập nhật dữ liệu thiết bị giám sát hành trình chưa tốt...

Tuy nhiên, ở góc nhìn kỹ thuật, các chuyên gia giao thông vận tải cho rằng: nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người thực hiện. Cụ thể là bộ phận theo dõi an toàn giao thông chưa thực hiện tốt chức năng theo dõi, đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác dữ liệu giám sát hành trình sẽ quản lý được các vi phạm về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe, xe không truyền dữ liệu, nhưng hiện nay, các tác nghiệp xử lý vi phạm phần lớn được thực hiện thủ công, dữ liệu trích xuất từ hệ thống về cần phải rà soát, kiểm tra cùng đơn vị vi phạm dẫn đến hiệu quả chưa cao...

Để khắc phục nghịch lý trên, thiết nghĩ việc đồng bộ ứng dụng công nghệ trong giám sát cũng như tác nghiệp xử lý vi phạm cần phải được thực hiện. Theo đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ, trang bị cho cơ quan quản lý nhà nước hạ tầng công nghệ nhằm thay thế dần các hình thức quản lý thủ công như hiện nay. Đồng thời, hệ thống khai thác dữ liệu phải kết nối được với hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm đồng bộ hóa số liệu cấp phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải. Ngoài ra phải có thêm các chức năng để kết nối đến từng đơn vị vận tải trong việc trao đổi thông tin; cũng như các quy định về trình tự, thời hạn, thời hiệu trích xuất, trách nhiệm xử lý vi phạm về quy định cung cấp, quản lý, sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Hải Thanh