Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội lấy ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngừng cung cấp điện, nước ngay khi phát hiện vi phạm

- Chủ Nhật, 20/09/2020, 09:20 - Chia sẻ
Cần tăng thời gian lập biên bản xử phạt vi phạm với những trường hợp đặc biệt; việc ngừng cấp điện, nước nên áp dụng ngay khi phát hiện vi phạm; cân nhắc lại mức xử phạt thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh; bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các chức danh thuộc Trưởng phòng Công an Điều tra, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh, thành phố; quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cấp Phó trong trường hợp chưa có cấp Trưởng… Là các kiến nghị tại buổi lấy ý kiến góp ý của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính mới đây.

Tăng thời gian xử phạt với những trường hợp đặc biệt

Góp ý vào dự thảo Luật, Trưởng phòng Quản lý Xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng: Khoản 27, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 58 quy định thời gian lập biên bản vi phạm hành chính là 24 giờ, 48 giờ kể từ khi phát hiện ra vi phạm hành chính và 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, việc quy định mốc thời gian trên chỉ phù hợp với hành vi vi phạm đã rõ ràng, quá trình đánh giá, giám định, xét nghiệm thuận lợi. Còn đối với những trường hợp phức tạp cần sự phối hợp với nhiều ban, ngành, xin ý kiến của cơ quan chuyên môn, việc giới hạn trong 48 giờ hoặc 3 ngày chưa phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, tăng thời gian lập biên bản vi phạm hành chính với những trường hợp đặc biệt.

Chung quan điểm, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải thành phố Trần Nhật Quang cho rằng: Quy định như dự thảo rất khó thực hiện, vì một số hành vi vi phạm phát hiện ra nhưng khi truy ra được tổ chức, cá nhân vi phạm đã mất một khoảng thời gian nhất định. Đại biểu dẫn chứng, khi phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm, có thể đâm đổ kết cấu hạ tầng giao thông nhưng để truy tìm được thủ phạm rất mất thời gian, có thể vượt qua 24 giờ hoặc 48 giờ thậm chí là quá 3 ngày.  

Đối với việc xử lý vi phạm hành chính, nhiều ý kiến nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung phương án “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” tại Khoản 1, Điều 86. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương, việc ngừng cấp điện, cấp nước nên áp dụng ngay khi phát hiện vi phạm chứ không nên để đến khi công trình được thi công đã lâu, thậm chí đưa người dân vào thì việc xử lý sẽ rất khó khăn. Đơn cử như sai phạm tại công trình 8B Lê Trực kéo dài nhiều năm qua chưa xử lý xong, hay như một số chung cư khi chưa được nghiệm thu công tác phòng cháy, chữa cháy nhưng người dân vẫn vào ở. Do đó, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện nước sẽ hạn chế được việc phải tổ chức lực lượng cưỡng chế cũng như ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước chi cho công tác cưỡng chế. Chung quan điểm, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cũng cho rằng: Nên ngừng cấp điện, nước ngay từ khi công trình có sai phạm để tránh phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.

Toàn cảnh buổi lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội  

Ảnh: Khánh Duy

Bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm

Liên quan đến thẩm quyền xử lý vi phạm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Trịnh Quang Đức cho rằng: Theo dự thảo luật, hàng hóa tịch thu từ các vụ vi phạm từ 50 triệu đồng trở lên thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ trưởng cơ quan đơn vị. Trên thực tế, có rất nhiều các vụ buôn lậu từ 50 triệu đồng trở lên, khi chuyển sang UBND cấp tỉnh quyết định xử phạt sẽ mất thời gian và gặp nhiều vướng mắc. Đại diện Cục Quản lý thị trường đề nghị nên cân nhắc lại mức xử phạt thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Phó Chủ tịch phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thanh Tuấn cũng đề nghị tăng thẩm quyền đối với UBND cấp xã, phường nhằm bảo đảm hiệu quả thực thi công vụ. Đồng thời, những vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính với mức thấp, có thể xem xét không ra quyết định lập biên bản.

Đối với việc bổ sung chức danh xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Khoản 4 và 6 của Điều 39, theo Phó Giám đốc Công an thành phố, ĐBQH, Thiếu tướng Đào Thanh Hải: Cần bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính các chức danh thuộc Trưởng phòng Công an Điều tra, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh, thành phố. Vì đây là 2 cơ quan tố tụng hết sức quan trọng của lực lượng Công an Nhân dân cấp tỉnh. Trong quá trình điều tra các vụ án và thực hiện các biện pháp tố tụng sẽ có những hành vi vi phạm hành chính cần phải xử lý thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không thể chuyển cho cơ quan khác xử phạt trong khi hồ sơ tố tụng, hồ sơ vụ án đang thụ lý thuộc quản lý của 2 cơ quan trên. Đồng thời, Luật cũng nên quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh cấp Phó trong trường hợp chưa có cấp Trưởng, tránh tình trạng ùn tắc trong xử lý vi phạm hành chính của chính quyền địa phương.         

Khánh Duy