Người giữ hồn đờn ca tài tử

- Chủ Nhật, 26/01/2014, 16:09 - Chia sẻ
Đờn ca tài tử của Việt Nam được so sánh với nhạc thính phòng phương Tây. Người hâm mộ nghệ thuật truyền thống Á châu này ca ngợi vẻ đẹp và sự tinh tế của nó. Với nhà báo Justin Rowlatt, phải tới khi gặp gương mặt hàng đầu của nghệ thuật này - nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhân vật trong chương trình Working Lives, Mùa Việt Nam trên sóng BBC tháng 8.2013, anh mới hoàn toàn bị thuyết phục.

Nhạc sư Vĩnh Bảo, 96 tuổi, đang dậy cho người dẫn chương trình Justin Rowlatt cách chơi đàn tranh

Hiếm khi cụ Vĩnh Bảo đón khán giả. 96 tuổi, cụ được nhìn nhận là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất trong dòng nhạc đờn ca tài tử Nam bộ và là người gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tuổi cao, giờ cụ ít đi lại. Cô con gái cụ đón chúng tôi ở cửa căn nhà nhỏ tại TP Hồ Chí Minh, rồi dẫn đến căn phòng âm nhạc của cha ngay tầng 1. Nhạc sư Vĩnh Bảo ngồi trên sàn nhà, dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc trắng nhưng ánh mắt vẫn tinh anh. Trò chuyện ít phút nhanh chóng nhận ra rằng cụ vẫn chưa mất đi sự sắc sảo và dí dỏm.

Âm nhạc là truyền thống được trân trọng trong gia đình nhạc sư Vĩnh Bảo. 5 tuổi, cụ chạm tay tới nhạc cụ đầu tiên là chiếc tiêu. Năm 1938, lần đầu tiên cụ ghi đĩa nhạc và sau đó trở thành thầy dạy nhạc truyền thống ở Việt Nam. “Âm nhạc là đam mê, là hơi thở của tôi. Tôi chơi nhạc không vì tiền mà chỉ đơn giản vì tình yêu âm nhạc. Âm nhạc chia sẻ buồn vui, mọi cảm xúc của tôi”.

Vị nhạc sư cầm lấy nhạc cụ trông kỳ lạ ở bên cạnh và nói sẽ chơi một bản. Cụ nói với tôi đó là loại nhạc cụ mình yêu thích, đàn tranh. Cây đàn trông rất đẹp, được làm bằng gỗ vàng, bóng loáng, dài chừng 1m và rộng 15cm, mặt đàn cong xuôi với 16 dây, mỗi dây căng trên hai ngựa đàn bằng gỗ. Cụ cúi người trên cây đàn và bắt đầu gẩy bằng một tay, còn tay kia nhấn phím. Đôi bàn tay di chuyển nhanh và chính xác một cách đáng kinh ngạc. Tôi nghe thấy như một dòng thác những âm thanh ngẫu nhiên. Không mấy nhịp điệu và có rất nhiều nốt mà theo khả năng thẩm âm của tôi thì có lẽ là lạc điệu. Khi cụ chơi xong, tôi miễn cưỡng gật đầu và cố mỉm cười tán thưởng. Tôi nghĩ là cụ biết tôi cảm thấy khó nghe loại nhạc này. “Anh phải quên chuyện âm vực thông thường đi” - nhạc sư Vĩnh Bảo giải thích. Cụ nói, các nhạc công người Việt thường lên dây đàn phù hợp với giọng của ca sỹ biểu diễn cùng.

Nhạc truyền thống Việt Nam là một sản phẩm âm điệu tự nhiên của ngôn ngữ tiếng Việt. Một từ với âm sắc sẽ không thể hát với một giai điệu trầm, và ngược lại. Cho nên các giai điệu được phát triển nhằm thích ứng với các thay đổi lên xuống của ca từ được thể hiện. Theo nhạc sư Vĩnh Bảo, đó là lý do khiến có sự nhấn nhá vào cái mà ông gọi là “tô điểm” khi nhấn, luyến nốt nhạc, một lý do khác nữa khiến nhạc dân tộc Việt Nam thường khiến người phương Tây nghe như “lạc tông”. “Âm nhạc Việt Nam thể hiện cảm xúc của con người. Âm nhạc phương Tây vừa thể hiện cảm xúc con người vừa miêu tả những cái bên ngoài, có thể bắt chước âm thanh của bão, lốc xoáy, tiếng chim hót, nước chảy. Âm nhạc Việt Nam không làm được điều đó. Hệ thống ký hiệu không cho phép làm như vậy. Nó chỉ có thể thể hiện niềm vui, nỗi buồn”. Ông nói và chỉ tay về bộ sưu tập các nhạc cụ treo trên tường của căn phòng nhỏ. Một ví dụ nữa là đàn nguyệt, có hai dây, và đàn bầu, chỉ có một dây với chiếc cần chuốt từ sừng trâu khiến cho âm thanh luyến láy như tiếng đàn guitar Hawaii, và đàn gáo làm từ gáo dừa.

Là nhân chứng qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, nhạc sư Vĩnh Bảo liên tục chơi đàn qua mọi thời kỳ và hoàn cảnh, vì khi đàn “tôi đến gần với thiền”. Cụ khuyên giới trẻ nên hiểu rằng, “đánh địch trên chiến trường tuy khó khăn, gian nan, nhưng dễ hơn mặt trận văn hóa. Mà một dân tộc mất đi văn hóa của mình thì mất nước dễ dàng lắm”.

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, và với những gì cụ vừa nói, tôi nôn nóng hỏi nhạc sư Vĩnh Bảo về tương lai của đờn ca tài tử. Nhưng trước sự ngỡ ngàng của tôi, cụ cười tươi và chỉ tay về chiếc máy tính để trên bàn phía sau, bên cạnh đó là một dụng cụ ghi âm kỹ thuật số đắt tiền. “Tôi có nhiều học sinh hơn bao giờ hết” - cụ nói với vẻ hãnh diện rõ rệt. “Tôi có học sinh trên toàn thế giới”. Có vẻ như nhạc sư Vĩnh Bảo đã học được cách dùng công nghệ hiện đại vào cuộc chiến bảo tồn di sản âm nhạc Việt Nam. Ông nói ông đã thu âm rất nhiều bài đờn ca tài tử kinh điển, và cùng với việc dạy trực tiếp, nay ông còn dạy đàn qua Skype (phần mềm cho phép mọi người lên internet nhắn tin, gọi điện miễn phí - ND).

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi đã quá giờ, và đã đến lúc cụ phải dạy học. Tôi nhận lời mời, ngồi lại xem nhạc sư Vĩnh Bảo dạy đàn. Cụ dùng bàn phím máy tính cũng khéo léo như khi chơi đàn gáo. Chỉ trong giây lát, cụ đã kết nối với một phụ nữ Mỹ gốc Việt tại Texas, và buổi học đàn tranh bắt đầu. Người phiên dịch nói với tôi rằng nhạc của Vĩnh Bảo tinh tế và buồn day dứt, khiến cô chảy nước mắt. Cho nên nay, sau khi hiểu hơn tí chút thì tôi muốn có cơ hội thứ hai để tìm hiểu. Vĩnh Bảo cúi người trên cây đàn và bắt đầu chơi lại. Lần này tôi nghĩ là tôi đã phân biệt được giai điệu nằm ẩn trong dồn dập các âm thanh lộn xộn. Âm nhạc có thể là thứ gây thách thức, nhưng cách mà ông cụ khai thác công nghệ hiện đại để bảo tồn văn hóa cổ truyền mà cụ yêu mến thì quả là vô cùng ấn tượng. Nhạc sư Vĩnh Bảo tin rằng truyền thống âm nhạc mà ông đã cống hiến trọn đời mình sẽ tiếp tục được duy trì ngay cả khi ông không còn trên cõi đời này.

Justin Rowlatt (BBC)
Hà Khanh lược dịch