Người lính doanh nhân và cơ duyên với tảo xoắn Spirulina

- Thứ Năm, 17/05/2018, 07:26 - Chia sẻ
Xuất phát từ mong ước giúp người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, người mắc bệnh hiểm nghèo có điều kiện tiếp cận, sử dụng các sản phẩm từ tảo Spirulina có chất lượng cao, giá thành hợp lý, người lính - doanh nhân Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma (Công ty Hidumi Pharma) ở Quỳnh Lưu, Nghệ An đã vượt qua mọi khó khăn để trở thành nhà đầu tư, nuôi trồng chế biến tảo xoắn Spirulina.

Bước ngoặt đầu tư

Ngay sau khi rời ghế Tổng Giám đốc Công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) để nghỉ hưu, Đại tá Nguyễn Văn Hùng trở về quê hương thành lập Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Long Thành và đầu tư vào Dự án Khu dân cư, du lịch và dịch vụ Đền Cờn, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Đại tá Hùng cho biết, trong quá trình đầu tư, xây dựng dự án đền Cờn, ông vô tình được dùng thử sản phẩm tảo xoắn và cảm thấy hiệu quả rõ rệt. “Sản phẩm tảo xoắn đã cứu tôi thoát khỏi bệnh đột quỵ. Chính nhờ có tảo xoắn, tôi đã vượt qua cơn đột quỵ, lại được tiếp tục với công việc”, ông Hùng chia sẻ.


Lãnh đạo Công ty Hidumi giới thiệu quy trình sản xuất tảo với Ban Quản lý Dự án FIRST và Ngân hàng Thế giới

Sau khi khỏi bệnh, ông có cơ duyên gặp gỡ nhiều nhà khoa học để hiểu hơn đặc tính, công dụng của tảo xoắn. Trong lúc tìm đường kết duyên với tảo xoắn, ông gặp Công ty TNHH Công nghệ sinh học phục vụ đời sống - sản xuất - thương mại - du lịch Thanh Mai - một doanh nghiệp nhỏ tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng nuôi trồng, chế biến sản phẩm này đang gặp khó khăn, có mong muốn được chuyển nhượng. Năm 2016, ông đã mua lại và quyết tâm phục dựng thương hiệu Công ty Hidumi Pharma.

Theo ông Hùng, nhu cầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam về sản phẩm chế biến từ tảo Spirulina làm thực phẩm chức năng giàu dinh dưỡng, có giá trị ứng dụng trong y học rất lớn, nhưng chưa nhiều người dân được tiếp cận, sử dụng. Bởi, việc sản xuất tảo xoắn Spirulina gặp nhiều khó khăn do công nghệ phức tạp, chi phí đầu tư lớn. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để sản xuất được tảo xoắn Spirulina trong điều kiện nhân tạo theo quy mô công nghiệp nhằm tạo được lượng sản phẩm lớn, giá cả hợp lý, nhưng vẫn bảo đảm được số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Xuất phát từ thực tế đó và qua trải nghiệm của bản thân, gia đình, ông rất mong muốn được phát triển mạnh mẽ sản phẩm này, trước mắt giúp người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, người mắc bệnh hiểm nghèo có điều kiện tiếp cận, sử dụng các sản phẩm từ tảo Spirulina chất lượng cao, giá thành hợp lý. Sau khi hoàn thành các thủ tục tiếp nhận doanh nghiệp nuôi trồng tảo xoắn, ông Hùng tiếp tục trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Do sản phẩm có tính ứng dụng cao, dự án do ông đề xuất đã được Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn tài trợ thông qua Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST” (Dự án FIRST) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản Dự án.

Mở ra hướng phát triển kinh tế mới

Dự án “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để phát triển sản xuất và chế biến tảo xoắn Spirulina và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ tảo” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt cho Công ty triển khai từ tháng 12.2016 đến tháng 12.2018 với kinh phí 15 tỷ đồng. Đến nay, Công ty đã tuyển chọn được giống tảo Spirulina có khả năng sản xuất sinh khối lớn, hàm lượng các hợp chất hữu cơ giá trị cao. Nghiên cứu được các sản phẩm chế biến từ tảo Spirulina theo hướng sử dụng làm thực phẩm chức năng và thức ăn bổ sung trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng tảo Spirulina để xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản và quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ tảo Spirulina.


Sản phẩm tảo xoắn Spirulina trong công đoạn sấy tách ẩm

Đặc biệt, dự án của Hidumi đang hợp tác với GS.TS. Perter Monfort (Cộng hòa Liên bang Đức) cùng một số nhà khoa học nghiên cứu công nghệ tách chiết, phân lập các hợp chất màu chlorophyll từ spirulina và điều chế các dẫn xuất của Chlorophyll thành Chlorin e6 trimethylester và Chlorin e6 monomethylester để ứng dụng điều trị bệnh ung thư bằng liệu pháp quang. “GS.TS. Perter Monfort không chỉ tham gia nghiên cứu mà còn mang cả thiết bị từ Đức sang, cùng kết hợp với các thiết bị do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ để chiết xuất ra chất Chlorins 6. Hiện chất Chlorins 6 bước đầu đã được nghiên cứu, chiết xuất trong phòng thí nghiệm” ông Hùng cho hay.

Theo các chuyên gia, sản phẩm công nghệ Chlorin e6 trimethylester, Chlorin e6 monomethy có giá trị ứng dụng cao trong y dược và tạo tiền đề cho các nghiên cứu về quang trị liệu bệnh ung thư là kết quả khoa học rất mới, sẽ có giá trị, ý nghĩa khoa học rất cao, mở ra triển vọng ứng dụng tảo Spirulina trong điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam. Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty tiếp tục nghiên cứu, nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Nhiều chuyên gia đánh giá, sản phẩm đạt khoảng 85 - 90% hàm lượng các hoạt chất so với sản phẩm thu hoạch từ tự nhiên ở vùng Tây Tạng, Tân Cương (Trung Quốc). Đồng thời, nghiên cứu, sản xuất đậu tương lên men Natto Kinaza theo tiêu chuẩn và công nghệ Nhật Bản. Cả ba sản phẩm đều có chất lượng tương đương nhưng có giá cả thấp hơn 10 lần so với sản phẩm nhập ngoại.

Ông Phạm Văn Diễn - cán bộ phụ trách tài trợ cho các doanh nghiệp mới về KH - CN và đổi mới sáng tạo của Dự án FIRST cho biết: Dự án góp phần tuyển chọn được giống tảo xoắn có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của vùng duyên hải huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; xây dựng quy trình sản xuất, chế biến tảo xoắn tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam; giải quyết vấn đề vốn, thiết bị cần thiết cho việc chiết xuất các vi chất hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, tiểu đường…; tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động ở địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân, mở ra hướng phát triển kinh tế mới; nâng cao năng lực cạnh tranh cho Công ty, một doanh nghiệp KH - CN thông qua các sản phẩm KH - CN.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An Trần Quốc Thành nhận định, Quỳnh Lưu luôn đi đầu trong ứng dụng KH - CN vào sản xuất, kinh doanh, là điểm tập trung ưu tiên các ứng dụng KH - CN như nuôi tảo xoắn, nuôi tôm theo công nghệ mới; sản xuất, chế biến nhung hươu…

Hạnh Nguyên