Người Mỹ mê tuồng

- Chủ Nhật, 26/01/2014, 16:10 - Chia sẻ
“Là giảng viên dạy văn hóa Việt Nam, tôi muốn sinh viên của mình được tiếp xúc với tuồng để hiểu được văn hóa rất đặc biệt của các bạn. Tôi hiểu rằng văn hóa truyền thống của Việt Nam là trái tim, là linh hồn của người Việt. Tôi mong muốn trái tim ấy, linh hồn ấy phải được gìn giữ khi nước Việt Nam ngày càng hiện đại” - Gs Jack Harris, Trưởng khoa Xã hội học & Nhân học, Trường Đại học Hobart & William Smith ở New York, Mỹ chia sẻ.

Mặc thử trang phục biểu diễn tuồng

18h tại phòng khách một khách sạn nhỏ trên phố Nam Ngư, Hà Nội, Gs Hoàng Chương và nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa cẩn thận chỉnh lại dây đàn, kiểm tra các đạo cụ. 18h30, những vị khán giả đặc biệt xuất hiện, đó là Gs Jack Harris cùng gần hai chục sinh viên đến từ Mỹ. Và buổi trình diễn, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam bắt đầu. Đây là một phần trong chương trình thực tập tại Việt Nam của sinh viên khoa Xã hội học & Nhân học, Trường Đại học Hobart & William Smith ở New York, Mỹ.

Gs Hoàng Chương từng nói: “Tính độc đáo và hấp dẫn của nghệ thuật tuồng nói riêng, nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung có khả năng chinh phục bất kỳ dân tộc nào, đối tượng nào”. Điều này càng đúng khi chứng kiến sinh viên Mỹ háo hức xem và tìm hiểu về tuồng. Sau giới thiệu chung một số loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam như chèo, hát xẩm, Gs Hoàng Chương tập trung giảng về nghệ thuật tuồng, từ những động tác cơ bản, hình tượng biểu trưng đến trang phục, cách sử dụng đạo cụ... Buổi giới thiệu sinh động và dễ hiểu khi có phần biểu diễn minh họa của các nghệ sỹ cũng như của chính diễn giả. “Tuồng có những động tác mà không cần dùng ngôn ngữ, không phải giải thích, người xem vẫn hiểu. Như các bạn đã thấy trong buổi biểu diễn, sinh viên của tôi thể hiện sự thích thú, hào hứng hòa nhập vào buổi biểu diễn” - Gs Jack Harris tỏ vẻ hài lòng.

Lần đầu tiên xem tuồng năm 1997, tại Hà Nội, do Gs Hoàng Chương giới thiệu và trình diễn, ngay lập tức Gs Jack Harris bị hấp dẫn bởi sức mạnh của loại hình sân khấu truyền thống này và nhận thấy nó rất có ích cho trí tưởng tượng. “Muốn xem được tuồng, khán giả cần có sự tập trung cao độ và suy nghĩ sâu sắc, bởi nghệ thuật tuồng có tính ước lệ cao, đòi hỏi khán giả phải suy nghĩ và tưởng tượng. Tôi thấy ở tuồng có sự tinh tế, đậm chất truyền thống Việt Nam, và tôi muốn sinh viên của mình học được điều gì đó từ tuồng”.

Gs Hoàng Chương giới thiệu một động tác trong tuồng     Ảnh: S. Phong 

Vì thế, năm 2008, 2010, 2011, Gs Jack Harris đã mời Gs Hoàng Chương sang Mỹ trực tiếp biểu diễn và giảng tuồng cho sinh viên của mình. Trong chương trình thực tập tại Việt Nam, sinh viên khoa Xã hội học & Nhân học, Trường Đại học Hobart & William Smith đều được nghe giới thiệu và xem trình diễn tuồng cũng như một số loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Sự yêu mến, thích thú của sinh viên Mỹ không chỉ thể hiện khi họ chăm chú lắng nghe Gs Hoàng Chương thuyết trình hay thưởng thức những tiết mục do ông và các nghệ sỹ biểu diễn, cố gắng để hiểu được những biểu tượng mà tuồng diễn tả, sau đó họ còn đặt nhiều câu hỏi thú vị, thích thú khi lên thử trang phục và diễn tả một vài động tác... Gs Jack Harris tâm sự: “Tôi không thể nói tuồng có sức mạnh như thế nào đối với người Mỹ mà tôi chỉ thấy tuồng có sức mạnh to lớn trong văn hóa Việt Nam. Là một giáo viên dạy văn hóa Việt Nam, tôi muốn cho sinh viên của tôi được tiếp xúc với tuồng để hiểu được nền văn hóa rất đặc biệt của các bạn. Tôi hiểu rằng văn hóa truyền thống là trái tim, là linh hồn của người Việt Nam. Tôi mong muốn trái tim ấy, linh hồn ấy phải được gìn giữ khi mà nước Việt Nam ngày càng hiện đại”.

Mỗi năm có hàng chục trường đại học ở Mỹ đưa các nhóm sinh viên tới Việt Nam để trao đổi văn hóa giáo dục. Riêng với Gs Jack Harris, ông luôn động viên sinh viên của mình tìm hiểu Việt Nam năng động trong bối cảnh mới, cụ thể ở đây là tuồng, cũng như một số loại hình nghệ thuật dân tộc khác của Việt Nam trong đời sống đương đại. Có thể đâu đó ngay tại Việt Nam, giới trẻ không còn quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, Gs Jack Harris hy vọng, khi thấy người Mỹ yêu thích tuồng như thế, họ sẽ bị kích thích trí tò mò và nhìn lại, thấy quan tâm đến tuồng hơn, yêu nghệ thuật dân tộc hơn. Tất nhiên, để phát triển nghệ thuật tuồng nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung trong đời sống hiện nay, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích. Ngay như Mỹ, tuy là nước non trẻ, nền văn hóa là sự pha trộn của các nền văn hóa trên khắp thế giới, nhưng văn hóa cổ du nhập từ châu Âu được Nhà nước ủng hộ và mọi người đều có ý thức đóng góp vào công cuộc bảo tồn cũng như phát huy giá trị của văn hóa ấy.

Nhật Linh