Người nông dân phải được thụ hưởng sự phát triển của ngành nông nghiệp

- Thứ Tư, 08/12/2021, 11:17 - Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội thảo tham vấn “Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050". Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Chiến lược phải hướng đến sự tăng trưởng bao trùm, tạo ra bao nhiêu việc làm, người nông dân được thụ hưởng sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Tăng trưởng nông nghiệp chưa bền vững

Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN-PTNT, cho biết trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện vai trò vô cùng to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Theo TS Trần Công Thắng, Chiến lược hướng tới tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm giai đoạn 2021-2030. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%.

Cùng với đó là mục tiêu mở rộng và phát triển thị trường nông sản, nhất là thị trường xuất khẩu để tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân khoảng 5-6%/năm giai đoạn 2021-2030, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 60 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy vậy, ông Thắng nhìn nhận khu vực nông nghiệp, nông thôn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng nông nghiệp chậm lại, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên; đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn...

Cùng với đó, người dân nông thôn chưa thực sự làm chủ và cuộc sống còn nhiều rủi ro. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, văn hóa - xã hội còn nhiều tồn tại, vai trò cộng đồng chưa phát huy tốt. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã bộc lộ một số hạn chế. Nhiều địa phương đua nhau phát triển công nghiệp để thúc đẩy kinh tế, bỏ qua nông nghiệp, kể cả những vùng có lợi thế về nông nghiệp.

Theo đó, đổi mới tư duy về quản lý, quản trị nông nghiệp dựa trên các quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và hành động xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại.

Chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức tới hành động về phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Cùng đó, chuyển đổi tư duy của nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả sản xuất; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”.

Chiến lược cần có tư duy mới

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại hai vấn đề lớn. Đó là, nông nghiệp vẫn phát triển dựa trên đơn ngành; sử dụng nhiều đất đai và vật tư đầu vào thay vì sử dụng yếu tố khoa học công nghệ hay những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Vấn đề thứ hai, những năm gần đây GDP đóng góp cho ngành nông nghiệp tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng theo nên giá trị gia tăng bị giảm đi, thu nhập trực tiếp của người nông dân không đồng hành với sự tăng trưởng của ngành.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thị trường hiện không chỉ mua nông sản dựa trên giá cả mà dựa trên nhiều giá trị khác như: không tác động tới biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe của chính người nông dân… Đó là câu chuyện ngành cần định vị lại những giá trị cối lõi, tiếp cận xu thế tại tất cả những ngành hàng. Chiến lược phải hướng đến sự tăng trưởng bao trùm, tạo ra bao nhiêu việc làm, người nông dân được thụ hưởng sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Ông Cao Đức Phát – nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, chiến lược cần có tư duy mới và hoàn toàn khác. Bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu thay đổi tư duy. Sản phẩm nông nghiệp ngày càng không chỉ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng còn nhiều yêu cầu mới như: sản phẩm phát thải carbon thấp. Nông nghiệp Việt Nam không thể không thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngành nông nghiệp đang đóng góp 20% phát thải nên không thể đứng ngoài. Do đó, ngành phải thích ứng và tham gia tích cực để giảm phát thải khí ngày kính.

Xu hướng nông nghiệp ngày càng giảm vì đất đai giảm, lao động giảm… Việc duy trì nông nghiệp 3% là cần thiết nhưng đầy thách thức và cần “kích” để tạo giá trị gia tăng. Vì vậy, ngành phải giảm chi phí sản phẩm, tăng giá trị mặt hàng trong cả chuỗi giá trị. Đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, sinh thái và biến nó thành giá trị kinh tế trong nông nghiệp. Ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa phát triển trong chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng nhưng không phải vô hạn. Một số lĩnh vực phải giảm như khai thác trên biển, đặc biệt là khai thác ven bờ.

Về động lực mới cho phát triển nông nghiệp, ông Cao Đức Phát cho rằng, 20 năm qua động lực chính của nông nghiệp là đổi mới chính sách, tiếp đến là đổi mới khoa học công nghệ. Hiện vẫn còn dư địa để đổi mới chính sách nhưng động lực chính sẽ phải ở khoa học nông nghiệp vì trong điều kiện nguồn lực giảm thì khoa học công nghệ là động lực để tạo ra giá trị.

Theo ông Cao Đức Phát, trong nông nghiệp muốn có 1 đồng tăng trưởng thì cần 5 đồng đầu tư. Vậy nếu muốn tăng trưởng tăng 3% thì đầu tư tăng 15%. Bởi vậy, phải duy trì cơ cấu đầu tư; đầu tư của doanh nghiệp có thể tăng nhưng quan trọng là ngân sách và tín dụng.

Minh Hương