Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT)

Nguồn cung nhân lực chất lượng

- Thứ Tư, 23/09/2020, 13:10 - Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 671/QĐ-TTg ngày 3.6.2019 về việc chuyển Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) sang mô hình tư thục. Với bề dày kinh nghiệm trong suốt 23 năm xây dựng và phát triển kể từ khi thành lập, HUBT đã đứng trước giai đoạn bước ngoặt, tiếp tục chinh phục những thành tựu mới.

Cơ sở vật chất hiện đại

Với quy mô đầu tư hiện nay, HUBT đã có 3 cơ sở đào tạo với diện tích 22 ha, có đủ phòng học, phòng thực hành, phòng tập đa năng, thư viện… với đầy đủ phương tiện, thiết bị và đồ dùng dạy học hiện đại. Cả 3 cơ sở được trang bị hiện đại, thiết kế khoa học, đủ đáp ứng cho khoảng hàng chục nghìn sinh viên học tập và nghiên cứu.

Nhà trường có thư viện hiện đại, hệ thống máy vi tính được kết nối Internet, trên 8.000 đầu sách, tạp chí các loại và hệ thống học liệu điện tử kết nối dữ liệu với nhiều trường đại học, học viện trong nước và quốc tế. Ký túc xá khang trang sạch đẹp, bảo đảm chỗ ở cho trên 2.000 sinh viên. Sân vận động thể thao ngoài trời và nhà tập có mái che bảo đảm điều kiện cho sinh viên rèn luyện và phát triển thể lực.

Trang thiết bị hiện đại HUBT đầu tư phục vụ ngành đào tạo y, dược
Trang thiết bị hiện đại HUBT đầu tư phục vụ ngành đào tạo y, dược

Với môi trường giáo dục năng động, hiện đại, HUBT không chỉ giúp sinh viên học tập tốt mà còn rèn luyện kỹ năng sống tích cực thông qua các chương trình ngoại khóa, hoạt động thiện nguyện, khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên, học bổng về thi đua học tập, rèn luyện xuất sắc, nghiên cứu khoa học… được tổ chức đều đặn hàng năm. Nhờ đó, sinh viên của trường luôn giành được những giải thưởng cao nhất trong các cuộc thi cấp quốc tế và quốc gia về CNTT, Ngoại ngữ...

Bên cạnh đó, trường cũng đã thành lập Hội đồng khoa học xét duyệt hàng trăm đề tài đăng ký nghiên cứu, giải quyết những vấn đề cấp bách, thiết thực ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sinh viên tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ tuổi trẻ sáng tạo, các Ban tổ chức các cuộc thi Olympic cấp Quốc gia và khu vực khen thưởng về các lĩnh vực tin học, kiến trúc, cơ khí điện tử, trong đó, có một số sinh viên được giải Đặc biệt và giải Nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ (VIFOTEC), nhiều ý tưởng kinh doanh của sinh viên được nhận giải thưởng Kawai của Công ty JOUJU Nhật Bản; ý tưởng khởi nghiệp cùng Vintech được sinh viên hưởng ứng nhiệt tình, nhiều sinh viên đã đạt giải cao.

Công tác hợp tác quốc tế được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng. Hiện HUBT có tổ chức liên kết đào tạo với một số trường đại học và tổ chức ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Úc và Liên bang Nga. Bên cạnh đó HUBT có liên kết đào tạo thạc sĩ với các trường, nhiều sinh viên được gửi đi du học tại các nước nói trên theo các ngành Quản lý kinh doanh, Ngân hàng, Tài chính, Kế toán, Du lịch…

Trong giờ học thực hành của sinh viên HUBT
Trong giờ học thực hành của sinh viên HUBT

Chìa khóa để thành công

Ở HUBT, các thế hệ sinh viên của HUBT vẫn tự hào vì có thầy Hiệu trưởng - Giáo sư Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, một Nhà giáo luôn đam mê và tâm huyết, dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục trồng người mặc dù Giáo sư đã ở tuổi 90.

Với độ tuổi của Giáo sư Trần Phương, thay vì nghỉ ngơi bên gia đình và vui cùng con cháu, Giáo sư vẫn cùng Ban Giám hiệu quyết tâm đưa nhà trường lên một vị thế mới. Cũng chính nhờ ngọn lửa nhiệt huyết của Giáo sư, nhiều thế hệ giáo viên, sinh viên của nhà trường đã cùng thắp lên ước mơ xây dựng cơ sở giáo dục hiện đại, nhân văn, hiệu quả. Ngoài ra, việc chọn những hướng đi khác biệt. Đó là khác biệt về mô hình khi là “trường đại học ngoài công lập phi lợi nhuận”; khác biệt về đào tạo đa ngành  với “kinh doanh, công nghệ, và y dược học”; khác biệt về “hiệu trưởng 90 tuổi” và “đội ngũ quản lý trưởng thành có bề dày kinh nghiệm” từ các bộ ngành khác chuyển về, đến nay HUBT đã trở thành một tên tuổi lớn trong hệ thống giáo dục đại học.

Về các chỉ tiêu của nhà trường, ngành học; môi trường học tập; khả năng tìm việc sau tốt nghiệp, có tới 86,7% sinh viên đánh giá hài lòng và rất hài lòng và đặc biệt là các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao của sinh viên do HUBT đạo tạo.

Hiện tại đến nay HUBT đã và đang cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu công việc tại nhiều doanh nghiệp. Có nhiều cựu sinh viên hiện đã trở thành lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Bên cạnh đó, đa số sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn, có mức lương cao, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành, phẩm chất, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng tốt.

Sau 24 năm thành lập, HUBT hiện là trường Đại học tư thục có quy mô lớn nhất cả nước với tổng số sinh viên theo học cao điểm khoảng 27.000 sinh viên. Theo kết quả kiểm toán, đến ngày 31.7.2018, vốn sở hữu của HUBT vào khoảng 855 tỷ đồng, trong đó có 118,208 tỷ đồng là vốn góp của các cổ đông; khoảng 737 tỷ đồng là quỹ tích lũy không chia thuộc sở hữu tập thể của các cổ đông.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có 3 cơ sở, trong đó: 

  • Cơ sở chính: Số 29A, ngõ 124, phố Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Có đủ chỗ học cho 25.000 sinh viên.
  • Cơ sở 2: Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Có đủ chỗ học cho 10.000 sinh viên và có ký túc xá đủ chỗ ở cho 2.000 sinh viên.
  • Cơ sở 3: Xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: Cơ sở đào tạo nghề.
Quang Tuấn