Nguồn lao động hậu Covid -19

- Thứ Ba, 21/09/2021, 09:46 - Chia sẻ
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara, khẳng định: lao động xuất khẩu trở về bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid - 19. 

Từ nay đến tháng 3.2022, 29 sáng kiến của thanh niên về chuyển đổi việc làm tăng thu nhập; cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản/ sức khỏe tình dục; và kỹ năng sống cho những thanh niên đi lao động xuất khẩu trở về sẽ được 3 tỉnh đoàn Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị tổ chức triển khai.

Đây là là một trong những hợp phần của Dự án:“Giảm nhẹ tác động của Covid-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng như đảm bảo tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật bản tài trợ với hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Dự án tập trung vào 4 vấn đề chính: Bạo lực trên cơ sở giới; Chăm sóc chất lượng dành cho người cao tuổi; Sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản; Hỗ trợ lao động xuất khẩu trẻ khi trở về địa phương tại 14 tỉnh bị ảnh hưởng bởi Covid -19 gồm Thái Nguyên, Điện Biên, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An; Hà Tĩnh; Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam; Đắk Lắk; An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long và TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, các sáng kiến thanh niên làm chủ về chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập, cung cấp kiến thức sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản và kỹ năng sống cho thanh niên xuất khẩu lao động phải trở về nước do ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được ưu tiên lựa chọn, triển khai.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara khẳng định: “Nguy cơ của đại dịch Covid -19 đối với nhóm vị thành niên, thanh niên thường bị đánh giá thấp. Đúng là vị thành niên, thanh niên có hệ thống miễn dịch tốt hơn, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không bị ảnh hưởng do tác động của Covid -19. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng thanh niên đang phải đối mặt với nhiều cú sốc như giáo  dục, việc làm, mất thu nhập, khó khăn trong tìm kiếm công việc, tiếp cận y tế và các dịch vụ công khác. Thanh niên xuất khẩu lao động cũng là một trong những đối tượng chịu những tác động đó.

Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cho thấy, năm 2019, hơn 147.000 thanh niên Việt Nam hiện đang làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Romania, Saudi Arabia và các thị trường lao động nước ngoài khác. Trước tác động của đại dịch kéo dài, nhiều người trong số họ mất việc làm và thường chỉ được thông báo trong khoảng thời gian ngắn. Một số khác phải gánh một khoản nợ để chi trả cho các sinh hoạt hằng ngày, trong khi những người khác do mất việc làm nên tình trạng nhập cư và quyền ở lại quốc gia sở tại cũng bị ảnh hưởng. Không hiếm người được thông báo phải trở về nước ngay lập tức và không có sự lựa chọn nào khác. Đặc biệt, khi về nước nhiều người phải vấn đề tái hòa nhập vào cộng đồng và thị trường lao động địa phương.  

Chính vì thế, đa phần trong số họ chờ đợi được quay trở lại thị trường lao động quốc tế để làm việc và để hỗ trợ gia đình. Thực tế này cho thấy, bên cạnh hỗ trợ từ các hoạt động của Dự án, thì người lao động xuất khẩu trở về cần nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong chính sách đào tạo lại nguồn nhân lực hậu Covid -19, bảo đảm họ có thể tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài nước.

Nguyễn Minh