Nguy cơ bùng phát bệnh nấm đen tại Ấn Độ

- Thứ Ba, 01/06/2021, 06:22 - Chia sẻ
Trong bối cảnh Ấn Độ đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm Covid-19, hệ thống y tế quốc gia này tiếp tục đối mặt với dịch nấm đen có tỷ lệ tử vong lên tới 94% nếu không được chữa trị kịp thời.
	Nguồn: Indian Express
Nguồn: Indian Express

Nấm đen là nhiễm trùng gây ra bởi một loại nấm thuộc nhóm Mucorales, và thường những bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu sẽ có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn. Trước đó, các bác sĩ Ấn Độ cho biết, dịch nấm đen có tỷ lệ tử vong trung bình là 50%, tuy nhiên khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chất steroid được dùng để chữa cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, nhưng chất này đồng thời làm giảm khả năng miễn dịch, tăng lượng đường trong máu ở cả bệnh nhân tiểu đường và bệnh nhân không bị tiểu đường mắc Covid-19. Do đó, khi miễn dịch bị giảm thì tỷ lệ mắc nấm đen cũng tăng lên. Theo một thống kê, trên 200 bệnh nhân ở 4 bệnh viện tại Indore phần lớn người mắc nấm đen đã khỏi Covid-19 và hầu hết trong số họ đều được dùng steroid để trị bệnh, các bệnh nhân đều có bệnh lý nền và đa phần là tiểu đường.

Trước đây, nấm đen là một loại nhiễm trùng hiếm gặp, song dịch Covid-19 được cho là đã châm ngòi cho số ca bệnh tăng vọt thời gian qua. Trong hàng nghìn ca nấm đen ở Ấn Độ ghi nhận vài tháng qua, đa số người bệnh là người đã khỏi hoặc đang được điều trị Covid-19. Những người bệnh nặng đi khám quá muộn đã phải làm phẫu thuật để ngăn nhiễm trùng lan lên não gây tử vong. Tính tới thời điểm hiện tại, các bang phía Tây Gujarat và Maharashtra chiếm một nửa số ca bệnh nấm đen, và ít nhất 15 bang khác đã ghi nhận từ 800 - 900 ca bệnh. Trước tình hình đó, Ấn Độ đã nhanh chóng yêu cầu toàn bộ 29 bang công bố nấm đen là bệnh dịch để tiện cho việc theo dõi diễn tiến của bệnh và tìm cách khắc phục.

Trưởng khoa y tế của Bệnh viện Maharaja Yeshwantrao VP Pandey đã đưa ra một cảnh báo về nấm đen vì nó đang trở thành thách thức đáng sợ hơn cả Covid-19. Nếu bệnh nhân không được chữa trị kịp thời và đúng phương pháp, tỷ lệ tử vong có thể tăng vọt lên tới 94%, thêm vào đó chi phí chữa trị rất đắt đỏ và các loại thuốc đặc trị cũng đang cạn kiệt.

Hiện nay, AmBisome là thuốc duy nhất có thể dùng để chữa nấm đen. Theo phác đồ điều trị thông thường, một bệnh nhân nấm đen sẽ cần từ 5 - 7 liều AmBisome/ngày trong vòng 42 ngày. Mỗi bệnh nhân trung bình cần khoảng 250 liều AmBisome trong toàn bộ quá trình điều trị. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã thông báo tới các quan chức ngoại giao, phải tìm mọi cách nhập AmBisome từ tất cả các nguồn trên thế giới nhằm đối phó với số ca mắc bệnh nấm đen đang tăng vọt.

Trước tình hình Ấn Độ đối mặt với nguy hiểm kép, các công ty dược phẩm của Mỹ đã gửi hàng trăm nghìn liều thuốc đặc trị nấm đen sang quốc gia này. Theo Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Taranjit Singh Sandhu, một lô thuốc AmBisome đã được các công ty dược phẩm như Gilead Sciences và Mylan gửi tới Ấn Độ. Phía doanh nghiệp Mỹ hiện đã cung cấp cho Ấn Độ khoảng 200.000 liều AmBisome, và con số này dự kiến tiếp tục tăng, riêng Gilead dự kiến sẽ giao cho Ấn Độ khoảng 1 triệu liều. Bên cạnh việc nhập khẩu thuốc, Chính phủ Ấn Độ cũng thúc đẩy sản xuất thuốc nội địa, và đã cấp giấy phép cho 5 nhà sản xuất để điều chế và phân phối AmBisome.

Như Ý