Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc

- Thứ Tư, 18/08/2021, 10:12 - Chia sẻ
Do mưa lớn trong ngày 17.8, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.

Cụ thể, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao tại các huyện: Mường Tè (tỉnh Lai Châu); Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La).

Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trung bình tại các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Tân Uyên, Nậm Nhùn, Tam Đường, Than Uyên (tỉnh Lai Châu); Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); Mường La, Thuận Châu (tỉnh Sơn La); Bát Xát, Bảo Thắng, Sa Pa, Văn Bàn, Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai); Mù Căng Chải, Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Mức độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ đêm 18.8 đến sáng 20.8, hội tụ gió lên đến 5.000 m có xu hướng hoạt động mạnh lên nên ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông; riêng khu vực vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt (thời gian xảy ra mưa to tập trung vào đêm và sáng); trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.

sạt lở ta luy dương tại km62+250, Quốc Lộ 12 (Đoạn Phong Thổ - Pa Tần - Chăn Nưa - Điện Biên) thuộc địa phận bản Pa Bon, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu)
Sạt lở thuộc địa phận bản Pa Bon, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu)

Nguồn: TTXVN 

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Chủ động phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Các chuyên gia hướng dẫn, người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thì lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần nhanh chóng di chuyển đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.

Thảo Anh