Nguyên nhân không mới...

- Thứ Hai, 19/07/2021, 06:56 - Chia sẻ
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay mới đạt hơn 133.890 tỷ đồng, bằng 29,02% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn trong nước đạt 31,75%, vốn nước ngoài đạt 7,37%. Chỉ có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%, trong khi có tới 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 1%; 9 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân.

Lý giải vì sao nghịch lý vốn thì có nhưng không giải ngân được vẫn tiếp diễn, một số bộ, ngành, địa phương cho rằng do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa đã ảnh hưởng tới việc triển khai, thi công nhiều dự án; do giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, đặc biệt là thép xây dựng có thời điểm tăng khoảng 40 - 50% so với đầu năm.

Là bởi một số bất cập trong cơ chế, chính sách dù đã được phát hiện nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm, trong đó nổi cộm là công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương quan tâm đúng mức. Nhiều dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2021 đã hết thời hạn bố trí vốn theo quy định nhưng các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không chủ động trình cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn bố trí vốn…

Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không mới cho dù nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được đề ra. Ví dụ như Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có tờ trình về việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để rà soát, đề xuất tháo gỡ các khó khăn cho dự án đầu tư. Và mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63, trong đó đề cập các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95 - 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, mà còn làm gia tăng áp lực nợ công cho Nhà nước. Bởi vậy, ngoài những giải pháp có tính chất vĩ mô, điều quan trọng là các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, giá vật tư, vật liệu xây dựng. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Cần rà soát, giảm các dự án chưa thực sự cấp bách, cần thiết, tránh tình trạng đầu tư dở dang dẫn đến phân tán nguồn lực. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận đâu là nguyên nhân căn cốt dẫn đến việc giải ngân chậm chứ không thể cứ mãi đổ cho cơ chế, chính sách. Không thể tiếp diễn tình trạng khi xin vốn thì nêu rất nhiều lý do, đến khi có vốn thì không giải ngân được nhưng cũng không có ai phải chịu trách nhiệm.

Khánh Ninh