Nguyễn Phan Chánh trong ký ức con gái

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:17 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất)- Mỗi khi Tết đến xuân về, kỷ niệm về người cha sống trong ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội cùng các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, họa sĩ Văn Giáo, lại tràn về trong ký ức người con gái thứ năm của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Trò chuyện với bà Nguyễn Nguyệt Anh cho chúng ta nhớ về một bậc thầy của tranh lụa Việt Nam, tấm gương lao động sáng tạo miệt mài và yêu quê hương, đất nước sâu sắc.

Giàu lòng tự tôn dân tộc   

- Tên tuổi của Nguyễn Phan Chánh luôn được những người say mê hội họa nhắc đến với niềm cảm phục về một họa sĩ có lòng tự tôn dân tộc. Những kỷ niệm nào về ông thể hiện khí chất này khiến gia đình và bà nhớ nhất?

- Bạn bè cùng Khóa 1, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là các họa sĩ nổi tiếng như: Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ… thường kể rằng cha tôi vẫn giữ nguyên cách ăn mặc rất Việt Nam với bộ quần áo dài the, chiếc khăn xếp, cái ô cũ kỹ, trong khi ở Hà Nội thời ấy thanh niên đua đòi các mốt châu Âu. Cũng chỉ vì quá yêu đất nước, tính thẳng thắn của một tri thức mà cha tôi cũng từng bị Giám đốc Trường Mỹ thuật Đông Dương gạch tên trong dịp trưng bày tranh ở đấu xảo. Cha tôi thẳng thắn nói rằng, ông ta không thể xóa tên Nguyễn Phan Chánh trong lòng công chúng được. Sau đó, cha nhất định thuê một phòng trưng bày khác triển lãm riêng. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông được mời làm giáo sư môn Mỹ thuật tại trường Bảo Hộ (trường Bưởi sau này). Một lần, viên Tổng giám thị yêu cầu ông vẽ lại một bức tranh theo ý của hắn, cha tôi nhất định không nghe. Sau lần cãi nhau ấy, vì lòng tự tôn dân tộc, ông đã đưa cả gia đình về quê tiếp tục vẽ những người thân yêu của mình, không màng tới thị hiếu đương đại.


Danh họa Nguyễn Phan Chánh cùng 3 con gái: Nguyệt Tú, Nguyệt Anh, Nguyệt Lệ
tại ngôi nhà số 65 Nguyễn Thái Học, chụp năm 1955

Năm 1954, cha trở lại Hà Nội được mời làm giáo viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh sáng tác, ông còn tham gia công tác đoàn thể xã hội. Năm 1962, ông được cử là đại biểu đi dự Đại hội Liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua toàn quốc lần thứ III. Năm 1964, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa III. 

- Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đặc biệt dành nhiều cảm xúc để vẽ về phụ nữ. Trong nhật ký của mình, ông hé lộ mỗi bức tranh, những thiếu nữ lưu lại đều vương vấn một tình cảm lãng mạn. Nhưng trên tất cả, dường như ông dành mối tình lớn cho người vợ đầu tiên, thưa bà?

- Người ấy chính là mẹ tôi, xinh đẹp với những đường nét chuẩn mực: Gương mặt trái xoan, đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu, nước da trắng ngần, vóc dáng mảnh mai, đã sinh cho ông 6 người con và một đời tận tụy vì gia đình. Tôi nhớ chị cả tôi, nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, từ nhỏ học rất giỏi, mẹ tôi quyết định cho thi vào Trường nữ Đồng Khánh (Huế) nhưng cha tôi không đồng ý, vì gia cảnh nheo nhóc. Nhân lúc cha đi vắng, mẹ bán 2 chiếc mâm đồng lấy 2 đồng rưỡi tiền bạc giấy Đông Dương cho chị Tú mua vé tàu đi Huế thi. Sau này Nguyệt Tú đi theo cách mạng, lập gia đình trong chiến khu Việt Bắc với anh Lê Quang Đạo, một chuyện tình rất đẹp và lý tưởng.

Mẹ tôi mất khi mới ngoài 40 tuổi, chưa được hưởng trọn những ngày sung sướng làm vợ một danh họa.

- Trong nhật ký của mình, Nguyễn Phan Chánh viết: “Tôi tự hỏi, tại sao mình lại cứ để ý đến người phụ nữ nông thôn, không nói đến các cô thành thị sắc sảo trau chuốt hơn”. Theo bà, phải chăng hình ảnh người vợ yêu thương luôn trở đi trở lại trong các bức tranh lụa của ông, là một mẫu mực của cái đẹp?

- Sau này, qua lời kể của chị Nguyệt Tú, chúng tôi mới vỡ lẽ, cha tôi đã vẽ bức tranh lụa “Cô hàng xén” là từ những ký ức về người mẹ kính yêu. Bức tranh “Người bán gạo” có mức đấu giá  kỷ lục, đạt hơn 8 tỷ đồng ở Hong Kong cách đây vài năm cũng vậy. Trong tranh, thiếu phụ mặc áo trắng đang đứng đong gạo chính là mẹ tôi với chiếc khăn vấn vành nâu, mái tóc đen rẽ giữa, nét mặt thùy mị, thanh tú. Bức tranh rất đẹp, các mảng màu trắng nâu ấm bình dị, dân dã rất Việt Nam. Dường như mẹ tôi đã làm mẫu trong khá nhiều tác phẩm của cha và bao giờ cũng là gương mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt lá răm và sống mũi thanh.

Cả đời cống hiến cho nghệ thuật

- Năm 1954, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được mời ra Hà Nội làm giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Bà may mắn có thời gian rất dài sống cùng ông ở ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học. Trong ký ức của bà, danh họa Nguyễn Phan Chánh có một cuộc sống đời thường như thế nào?

- Trong ngôi biệt thự ba tầng ở số 65 Nguyễn Thái Học, cha tôi được lũ trẻ con gọi là ông Tiên do có khuôn mặt hiền từ và chòm râu bạc. Chúng tôi sống cùng cha trên gác 2 còn gác 3 là phòng ở của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Cha tôi nghiêm khắc với con cái, nhưng với đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm rất điềm đạm, ôn hòa, chuẩn mực. Ông mê hoa đào phai nên Tết nào cũng mua một cành đào to, cắm cao tới tận trần. Ngày mồng 1, ông hay được nhà văn Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận và nhiều hàng xóm nhờ xông nhà. Mỗi khi Tết đến, ông lại viết hai câu đối điều, màu giấy đỏ tươi, nét chữ bay bổng, treo ở ngay cổng để mọi người chiêm ngưỡng.

Phòng của cha con tôi ở nhỏ lắm, phần lớn diện tích để dành cho ông sáng tác, có một ban công nhỏ để phơi tranh lụa. Kỷ niệm nhớ nhất là cha đã nhường cho vợ chồng tôi chiếc giường duy nhất khi chồng tôi vừa trở về từ chiến trường miền Nam. Con trai chúng tôi may mắn được thai nghén từ căn phòng lịch sử đó và chính cha tôi đặt tên cho cháu là Khánh Nam với ý nghĩa mừng ngày vui khi đất nước toàn thắng, hai miền Nam - Bắc thống nhất. Ông luôn dặn dò con cháu, dù làm nghề gì cũng phải một lòng phục vụ nhân dân, trung thành với Tổ quốc.


Bức Hạnh phúc của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sáng tác năm 1968 trong thời kỳ là
 ĐBQH Khóa III là một trong những tác phẩm hiếm hoi mà gia đình bà Nguyệt Anh
còn giữ lại

- Trong cuốn nhật ký, độc giả thấy ông nhắc nhiều tới kỷ niệm ba con gái, trong đó có bà, phải giúp rửa tranh, phơi tranh lụa với nỗi cực nhọc, vất vả…

- Vẽ tranh lụa tỉ mỉ, dày công, và cực nhọc lắm. Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ thôi. Sống giữa Thủ đô những ngày kháng chiến chống Mỹ, cha tôi không chịu ở trong nhà, ban ngày ông thường đạp xe hoặc đi tàu điện xuống các khu lao động, ra trận địa để lấy chất liệu, tối về khắc họa lại những khoảnh khắc thiêng liêng để có những tác phẩm nổi tiếng sau này, như bức Sau giờ trực chiến (1964) và Hạnh phúc (1967) mà gia đình tôi vinh dự được ông tặng riêng.

Hàng chục năm sau chiến tranh, một người Mỹ sang Việt Nam tìm hiểu đời sống người Việt thời Hà Nội bị B52 ném bom. Nhà văn Mỹ Lady Borton đưa ông ta đến khu hầm tránh bom nơi cha tôi ngồi vẽ tranh. Người Mỹ này đã ngạc nhiên hỏi, vẽ tranh khi có bom đạn, họa sĩ không sợ chết sao? Chị em chúng tôi sau này bất ngờ hơn khi biết ở tuổi 80, mặc cho tiếng còi báo động và bom B52 rền, ông vẫn đưa nét bút êm trên nền lụa nhẹ, sáng tạo nên những nhân chứng chín muồi nhất về con người Việt Nam qua Tiên Dung thần thoại và Kiều bất tử, hiện thân cho cái đẹp, cái thiện, những mong ước thanh bình nhất của người Việt. Thật tự hào khi cha tôi đã ghi vào ký ức công chúng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên giới thiệu dân tộc mình với thế giới bằng phong cách tranh lụa đậm sắc thái dân gian và tình yêu cháy bỏng với đất nước, con người Việt Nam.  

Xin cảm ơn bà! 

Vân Ngọc thực hiện