Nhà thơ yêu nước và cách mạng

- Thứ Năm, 14/05/2009, 00:00 - Chia sẻ
Bằng những gì ta đã biết đến, đã được đọc, thấy rõ một thi sỹ Quỳnh Dao nặng tình, nặng nghĩa với đời. Và đương nhiên, thơ văn của ông đủ sức vượt qua mọi trắc trở của biết mấy thời cuộc, tiếp tục sống với đời hôm nay và những năm sau...

Quỳnh Dao tên thật là Đinh Nho Diệm, sinh tháng 1 năm 1918 (theo âm lịch thì là cuối năm Đinh Tỵ), trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Gôi Mỹ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Làng Gôi Mỹ là một vùng quê thơ mộng bên sông Ngàn Phố, giàu truyền thống văn chương. Ngay từ khi là học trò nhỏ tuổi, Quỳnh Dao đã làm thơ và có đôi bài được nhiều người dân ở quê thuộc và truyền khẩu cho nhau. Đến năm 1937, ông bắt đầu có tác phẩm in đều trên báo chí, gồm thơ trữ tình, tản văn, truyện ký và bình luận văn chương. Bạn đọc đương thời chú ý đến thi sỹ Quỳnh Dao qua những bài thơ mà nhà văn Lê Tràng Kiều đã nhận xét là “càng đọc càng lạ, càng về sau bao nhiêu càng huyền ảo bấy nhiêu...”. Ngay năm 1936, ông xuất bản chung với Liêu Kỳ Lộc tập thơ văn Tiếng chuông chiều, do nhà in Thụy Ký ấn hành. Là thành viên của nhóm Trường thơ loạn do Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên chủ xướng, thơ Quỳnh Dao mới lạ và phóng túng, gây ấn tượng mà trong trẻo.

Từ năm 1938, Quỳnh Dao tham gia rất tích cực trong nhóm các tác giả quy tụ quanh tờ Tiểu thuyết Thứ năm. Trên tờ Tiểu thuyết Thứ năm số 30 (ngày 11.4.1939), Lê Tràng Kiều đăng bài bình luận về thơ ca đương thời có đoạn: “... Chưa bao giờ các bạn mến thơ, yêu thơ được vừa lòng, được say sưa như bây giờ... Những vần mơ màng của Quỳnh Dao, những vẫn nhẹ nhàng của Anh Thơ. Những vần diễm ảo của Thanh Tịnh, những vần thành thực tha thiết của Lê Thanh Xuyên. Những vần đầy mộng ảnh, đầy âm nhạc của Yến Lan...”. Vậy là, ngay thời Quỳnh Dao mới 20 tuổi đã được đồng nghiệp đặt vào hàng ngũ những tên tuổi sáng giá của thi đàn Việt Nam. Năm 1939 đó, Quỳnh Dao cho in tập thơ Tơ trăng. Tập thơ ấn hành không đầy hai trăm bản, như tác giả có lời ghi rõ rằng: “Tập thơ này không bán, chỉ để tặng nhà báo và thi sỹ”. Tơ trăng phổ biến hạn chế như vậy, nhưng uy tín thơ Quỳnh Dao đã được các tác giả Hoài Thanh, Hoài Chân trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam coi là một thi sỹ có thơ hay về Huế với những câu mẫu mực:

Một hàng thôn nữ cười trong nón

Sông mở lòng ra đón bóng yêu...

Năm 1940, cuộc sống xã hội Việt Nam rất nhiều biến động. Đại chiến thế giới thứ II lan tới Đông Dương, nước ta nằm trong vùng ảnh hưởng. Và, các phong trào yêu nước cách mạng phát triển mạnh trong cuộc sống. Quỳnh Dao chuyển cư ra Hà Nội, không làm nghề thư ký đánh máy nữa, mà dấn thân hoàn toàn vào nghiệp báo chí, văn chương. Tờ tạp chí Đông Tây, bộ mới, do ông chủ trương, vừa làm chủ nhiệm, vừa làm chủ bút. Lúc này gia đình ông, gồm người vợ trẻ và đứa con gái nhỏ, sống trong một căn nhà nhỏ ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội) cũng là nơi ông đặt tòa soạn tạp chí Đông Tây. Nhiều bạn văn trong nhóm bút Tiểu thuyết Thứ năm và nhiều nhà văn, nhà thơ trong Nam ngoài Bắc gửi bài cộng tác với Đông Tây. Là tạp chí văn chương-mỹ thuật, nhưng lại quan tâm rất sâu sát đến những vấn đề dân sinh, ái quốc. Là chủ nhiệm kiêm chủ bút, Quỳnh Dao vẫn viết rất nhiều, cả thơ, truyện ký văn học và những bài luận đàm xã hội. Có thể nói, thời gian này ông viết rất háo hức, vồ vập, như muốn bày tỏ lòng mình thật nhiều với cuộc sống, với quê hương đất nước, với nhân dân cần lao. Mặc dù chế độ kiểm duyệt khắt khe, Quỳnh Dao vẫn cho đăng nhiều bài đáng chú ý. Như bài Thanh niên hãy trở lại với gia đình, phê phán những kẻ vô trách nhiệm, chỉ biết ăn chơi, trong đó có cả những văn nghệ sỹ chôn vùi đời trong đàng điếm và thuốc phiện. Bài viết đó là một hành động lay thức bổn phận tuổi trẻ đối với nhà, với nước. Còn bài Nhân trận lụt vừa rồi ở Nghệ An, Hà Tĩnh, ông trình bày cái thực trạng đói kém ghê người ở vùng quê này, khiến nhiều người đọc suy ngẫm rất nhiều về tình thế xã hội... Tiếc thay, tạp chí Đông Tây chỉ ra được bảy số thì bị Sở Liêm phóng hồi đó bắt đình bản. Thời kỳ này, về thơ, Quỳnh Dao có một tác phẩm rất đáng quan tâm là truyện thơ Dưới cầu Giang Tô, viết theo thể lục bát. Bằng thơ, ông kể một câu chuyện tình yêu của đôi trai gái người Hàng Châu, Trung Quốc trong bối cảnh phát xít Nhật xâm lăng Trung Quốc. Cuộc tình ái bị dày xéo dưới bước chân của chủ nghĩa phát xít Nhật. Nỗi bi thương khơi dậy lòng căm phẫn bọn phát xít, là ý tưởng của truyện thơ Dưới cầu Giang Tô. Thời điểm Quỳnh Dao sáng tác Dưới cầu Giang Tô, phát xít Nhật chưa vào Việt Nam. Nhưng khi đó, những nhân cách lớn đều ý thức được trách nhiệm làm người là phải chống chủ nghĩa phát xít. Và ông là nhà thơ Việt Nam đầu tiên có tác phẩm chống phát xít Nhật ngay từ năm 1940 đó.

Với một tâm hồn, một phẩm cách như vậy, tất yếu Quỳnh Dao đi con đường tiến bộ duy nhất đúng của dân tộc ta thời kỳ ấy là tham gia Việt Minh. Cuối năm 1944, ông bị giặc bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò. Thời gian bị giam trong tù, Quỳnh Dao viết văn thơ từ báo Hỏa Lò do đồng chí Nguyễn Đắc Giới (tức nhà thơ Thôi Hữu) phụ trách. Ông hay ngâm thơ cho các đồng chí bạn tù nghe. Trong ông, yêu nước, cách mạng và cảm xúc thơ ca là phẩm chất đặc biệt. Đến tháng 3 năm 1945, Quỳnh Dao cùng các đồng chí của mình làm cuộc vượt ngục qua đường cống ngầm ở Hà Nội thành công, lại tiếp tục hoạt động. Đó là thời kỳ bão táp trên quê hương với đỉnh cao là cách mạng tháng Tám 1945 làm tan rã chế độ thực dân phong kiến, lập nên thời đại dân chủ mới. Ngay trước cuộc Cách mạng, Quỳnh Dao về công tác tại miền Trung, làm Trưởng đoàn Tuyên truyền khu vực II, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, rồi tham gia tổng khởi nghĩa tại Hà Tĩnh. Năm 1946, ông là ứng cử viên Khóa I Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ở Hà Nội. Thời cuộc cuồn cuộn, đầy hào hùng. Rồi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Quỳnh Dao dấn thân theo cuộn trào lịch sử, với tính cách và phẩm cách của ông, chúng tôi cho đó là cuộc dấn thân hết mình của một nhà thơ tiên phong. Đầu năm 1947, ông hy sinh tại căn cứ kháng chiến thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, trong một trận oanh tạc của máy bay thực dân Pháp. Năm đó, ông đang độ tuổi sung sức, chắc trong lòng đang ấp ủ những dự định sáng tác văn học tâm huyết của một đời người. Tiếc thay, ông mang theo cả những ấp ủ đó, ra đi! Bạn đọc văn chương những năm ấy và những năm sau này nữa, nhiều người chưa biết đến những văn phẩm của Quỳnh Dao đã sáng tác. Bởi, những năm sau đó và tiếp theo là những năm bão táp trên quê hương Việt Nam chúng ta, đến những con người, những gia đình còn thất lạc, huống chi sách vở và bản thảo văn chương!...

Những năm cuối thế kỷ XX, do duyên may, chúng tôi được có lại những tờ báo Tiểu thuyết Thứ năm mà từ mấy chục năm trước đã không thể tìm thấy trong các cơ quan lưu trữ thư tịch cũng như trong các sưu tập cá nhân. Từ những số báo đó, chúng tôi thấy lại một số thơ văn của Quỳnh Dao. Tiếp nữa, một số nhà sưu tầm nghiên cứu, nhà văn và người quan tâm đến văn học Việt Nam thời kỳ 1930 đến 1945 đã giúp tìm lại thêm một số bài bình luận văn chương và thơ của Quỳnh Dao in trên các báo chí đương thời. Rồi chúng tôi tìm thấy lại cả tập Tơ trăng; Và rồi cả truyện thơ Dưới cầu Giang Tô... Có lẽ, đâu đó trong đời sống vẫn còn có những văn phẩm, thi phẩm của Quỳnh Dao, như trong sổ tay các cá nhân, trong những trang sách báo cũ mà ta chưa biết đến.

Xin khép lại bài viết về nhà thơ Quỳnh Dao bằng bốn câu thơ của nữ sỹ Mộng Tuyết, người bạn văn chương của ông từ năm 1938. Từ thuở ấy, bà được nhà thơ Quỳnh Dao tặng tập thơ Tơ trăng vào ngày 15.7.1939, và bà có viết những dòng cảm tạ. Cuối năm 1998, nữ sỹ Mộng Tuyết còn nhớ, và chép gửi cho chúng tôi:

Văn chương mây nước tao phùng

Tơ trăng rung sợi tơ lòng bâng khuâng

Mây bay nước chảy không ngừng

Tiếng tơ trăng vướng lưng chừng nước mây

Anh Chi