Nhân dân là chủ thể, trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:21 - Chia sẻ
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan điểm “dân là gốc”, trong đó đặc biệt đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Thấm nhuần và thực hành nhuần nhuyễn các nội dung cụ thể được khẳng định tại các Văn kiện Đại hội sẽ khơi dậy sức mạnh và tiềm năng to lớn trong Nhân dân, quy tụ được lòng dân chung sức đồng lòng với Đảng, Nhà nước thực hiện khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng và hạnh phúc.

Tin tưởng, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Đúc kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong 35 năm đổi mới vừa qua của Đảng ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"". Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Thực tiễn cũng đã cho thấy, cả hệ thống chính trị đã nghiêm túc thực hiện quan điểm "dân là gốc". Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng liên quan đến cuộc sống của người dân, quyền làm chủ của Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ và chính quyền các cấp tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là xây dựng, vận hành hệ thống tiếp nhận, trả lời, phản ánh kiến nghị của Nhân dân và doanh nghiệp; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ nét.

Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của Nhân dân, về Nhà nước phục vụ, kiến tạo đã có sự chuyển biến tích cực; ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân ngày càng được nâng cao. Các cơ quan tư pháp đã tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao; đề xuất sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp; tăng cường tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân; tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, Nhân dân đồng tình.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước...

Dù vậy, theo Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh, vẫn còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về vai trò quan trọng, sức mạnh to lớn của Nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là tình hình Nhân dân trước những sự kiện, tình huống phát sinh ở những lĩnh vực, địa bàn phức tạp có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn quan liêu, sách nhiễu, chưa nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; thiếu trách nhiệm, thậm chí làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Một số nơi công tác tiếp công dân, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với Nhân dân chưa được quan tâm đúng mức, chưa bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân... 

Vì thế, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục quán triệt, phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan điểm “dân là gốc”, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã bộc lộ thời gian qua mà còn xem đây là động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước thời gian tới.

Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh), các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặc biệt đề cao vai trò của Nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, “đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước” là điểm mới mà trước đây chưa đề cập. Như vậy, quyền làm chủ của Nhân dân được thể hiện trên tất cả lĩnh vực như: Tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; phát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân, ngoại giao Nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, thế trận lòng dân...

Không chỉ dừng lại ở quan điểm, các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn đặc biệt coi trọng việc thực hành quan điểm “dân là gốc”, phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trong thực tế. Báo cáo Chính trị trình Đại hội nhấn mạnh phải "thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt, dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước".

Cùng với đó, trong 12 định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thì có tới 2 định hướng lớn nhằm bảo đảm thực hiện quan điểm "dân là gốc". Cụ thể là, “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” và “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”. 

Trên cơ sở đó, một nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng chính là “hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Những quan điểm, định hướng và nhiệm vụ trọng tâm trên đây đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ rất hệ trọng đối với cả hệ thống chính trị, đặc biệt là với Quốc hội trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm khuôn khổ pháp lý, các cơ chế chính sách để thực sự "phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân", song song với đó là giám sát chặt chẽ để bảo đảm các khuôn khổ pháp lý được thực thi nghiêm túc trong thực tiễn.    

Nguyễn Bình