Nhận diện đúng vấn đề, chọn lựa giải pháp tối ưu

- Thứ Năm, 18/11/2021, 11:34 - Chia sẻ
Sáng 18.11, lớp tập huấn trực tuyến dành cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã do Bộ Nội vụ tổ chức tiếp tục diễn ra với các nhóm chuyên đề tự chọn. Trong khuôn khổ buổi tập huấn, các giảng viên, báo cáo viên được giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ, PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng chia sẻ tâm huyết về “Kỹ năng của đại biểu HĐND xã, huyện trong xây dựng, ban hành văn bản nghị quyết” và “Kỹ năng giám sát quản lý Nhà nước về đất đai”.
giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng chi sẻ tại buổi tập huấn
Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng chi sẻ tại buổi tập huấn

Ảnh: Tùng Dương 

Đi vào nội dung Chuyên đề “Kỹ năng của đại biểu HĐND xã, huyện trong xây dựng, ban hành văn bản nghị quyết”, PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng cho biết, nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã được ban hành để quy định tiếp những vấn đề được luật giao, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp huyện, cấp xã. Đại biểu cần tham gia vào quá trình sáng kiến, xác định được vấn đề xã hội và biết cách lựa chọn vấn đề nào thực sự cần thiết như giáo dục, y tế, thuế... để đưa vào chương trình xây dựng ban hành nghị quyết, giải quyết với phương án cụ thể.

“Để thực hiện tốt vai trò tham gia xây dựng và ban hành nghị quyết, đại biểu HĐND cần nắm bắt rõ ràng, cụ thể tình hình thực tế của địa phương, tăng cường tiếp xúc cử tri. Đại biểu HĐND, văn phòng HĐND và UBND cần có cơ chế để tổng hợp, tiếp nhận và xử lý thông tin do báo chí và nhân dân phản ánh” - PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh.

Dự thảo nghị quyết phải bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, tính khoa học và yêu cầu của kỹ thuật lập quy của văn bản. Muốn ban hành được nghị quyết chất lượng thì đại biểu HĐND cần có đầy đủ thông tin về vấn đề mình tham gia xây dựng và có năng lực xử lý thông tin do mình thu thập hoặc có được để cung cấp, nhận diện đúng vấn đề, chọn lựa giải pháp tối ưu.

Quang cảnh lớp tập huấn qua các điểm cầu trực tuyến

Ảnh: Tùng Dương 

Ở nội dung tiếp theo của buổi học, các giảng viên, báo cáo viên tham gia trao đổi, thảo luận về Chuyên đề 9 - “Kỹ năng giám sát quản lý Nhà nước về đất đai”. PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, khi giới thiệu với các đại biểu thì báo cáo viên, giảng viên cần lưu ý làm rõ những điểm về quyền hạn của chính quyền cấp huyện và các nhiệm vụ quan trọng như quy hoạch đất đai; giao đất, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thanh tra, giải quyết khiếu nại... và thực hiện các nội dung khác về quản lý đất đai.

Về vấn đề giám sát, quản lý nhà nước về đất đai của HĐND cấp huyện, xã, HĐND cần tập trung chuyên sâu vào các lĩnh vực như giám sát chuyên đề "việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất".

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các đại biểu HĐND cần tự nghiên cứu những kiến thức cơ bản của các văn bản hiện hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai; thu thập xử lý các nguồn tin chính từ các báo cáo thường kỳ của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bị chất vấn; các báo cáo cung cấp thông tin độc lập. Đồng thời, nắm chắc và nghiên cứu những dư luận xã hội về quản lý đất đai, báo cáo điểm báo, kinh nghiệm quốc tế… của HĐND; các nguồn thông tin từ tiếp xúc cử tri…

Kết thúc bài giảng, PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh, để tránh trường hợp “giám mà không sát, sát mà không giám”, mức độ chủ động, nhạy bén và bản lĩnh của từng đại biểu với các vấn đề của địa phương là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, đại biểu HĐND cần có “phông nền” về pháp luật vững vàng để tham mưu giúp địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Tùng Dương