Nhận diện khó khăn và tìm giải pháp cho giáo dục trong đại dịch Covid-19

- Thứ Năm, 11/11/2021, 08:52 - Chia sẻ

Sáng nay, 11.11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ngồi vào ghế “nóng” để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc quản lý của ngành giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Giang Huy - vnexpress.net

Lần đầu tiên ngồi vào ghế “nóng” khi thời gian đảm nhận vị trí Bộ trưởng chưa được lâu, có thể sẽ là một thách thức với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Thách thức không chỉ là thời gian đảm nhận vị trí tư lệnh ngành ít ỏi, mà còn vì ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch Covid -19. Nhận diện rõ khó khăn và tìm giải pháp thích hợp để ngành Giáo dục vượt qua thách thức lúc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chúng ta bước vào tình trạng "bình thường mới" thích ứng linh hoạt và an toàn trước đại dịch.

Cái khó của ngành giáo dục chúng ta đều đã biết, bởi dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học. Từ việc học trực tiếp chúng ta đã phải chuyển sang học online, hàng triệu phụ huynh và học sinh đã rất vất vả với việc buộc chuyển hướng cách học này để thích ứng với điều kiện của dịch bệnh.

Trong phiên chất vấn ngày hôm qua, và trong nhiều phiên thảo luận trước đó, trên diễn đàn Quốc hội không ít đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về những khó khăn, tồn tại và cả những hệ lụy khi trẻ phải học trong một thời gian dài với phương thức học online. Khó khăn, thiệt thòi này không chỉ đối với phụ huynh, học sinh mà cũng chính là những khó khăn mà ngành giáo dục đang phải đối diện trong suốt hai năm qua.

Học sinh lớp 1,2 học online: Nếu không hiệu quả, nên cho nghỉ - 1
Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn 

Những khó khăn của ngành giáo dục được người đứng đầu ngành giáo dục chỉ rõ. Đó là đối với Giáo dục Mầm non, một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập  không có lương khi phải nghỉ dạy trong thời gian trẻ em ở nhà không đến trường để phòng dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch.

Do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng chưa đảm bảo, đường truyền internet nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa đường truyền internet không tốt nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.

Điều đáng lo ngại hiện nay là việc trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ. Nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non.

“Những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ em giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định.

Không chỉ đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cũng đối diện với không ít khó khăn. Đó là khó khăn về thiết bị, học liệu dạy và học trực tuyến. Học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu thiết bị để học tập trực tuyến, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Các bài dạy trên truyền hình chưa phủ hết tiến trình bài học chương trình các môn học.

Nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động, hấp dẫn; hạn chế tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình; biên chế giáo viên không đủ theo định mức theo tỷ lệ học sinh, gặp nhiều khó khăn khi cho học sinh đi học trở lại theo hình thức chia lớp để thực hiện giãn cách...

Rất khó để kể hết những cái khó mà ngành giáo dục đang phải đối diện. Phụ huynh và học sinh là người hiểu rất rõ những khó khăn của ngành giáo dục, bởi phụ huynh và học sinh hàng ngày phải đối diện với những bất cập này. Và có thể khó khăn này sẽ vẫn tiếp diễn nếu như đại dịch chưa được kiểm soát ở mức an toàn, nếu như vaccine chưa thể phủ hết tới tất cả trẻ em.

Nhận diện rõ những khó khăn, những vướng mắc để từ đó tìm ra các giải pháp thích ứng đối với tình hình dịch là điều rất cần thiết vào lúc này. Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và đại diện tiếng nói của cử tri, mong rằng, những khó khăn của ngành giáo dục tiếp tục được các đại biểu Quốc hội tiếp tục nhận diện, mổ xẻ và đưa ra được kiến nghị, giải pháp hữu hiệu để giúp nâng cao chất lượng dạy và học trong tình hình khắc nghiệt của đại dịch.

Không chỉ có những người làm trong ngành giáo dục, mà cử tri, phụ huynh mà hàng triệu học sinh rất chờ đợi quyết đáp của Quốc hội từ phiên chất vấn này để bảo đảm chất lượng dạy và học trong tình hình dịch bệnh.

Hà An