Nhận diện, xử lý kịp thời điểm nghẽn

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:01 - Chia sẻ
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến ngày 31.8, có hơn 187.285 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước được giải ngân, đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 10 bộ, 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước; 4 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và 3 bộ, cơ quan Trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Lý giải tiến độ giải ngân 8 tháng qua chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng do đặc thù của năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; một số nhiệm vụ, dự án khởi công mới chỉ được giao kế hoạch sau khi Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh tại hầu hết tỉnh, thành phố, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội; công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, có nơi ban hành quy định cứng nhắc làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng. Hầu hết các công trình xây dựng tại khu vực có nguy cơ cao và một số công trình ở các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải tạm dừng thi công đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân... Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án...

Như vậy có thể thấy, việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan là dịch bệnh. Thế nhưng nhiều nguyên nhân chủ quan đến nay vẫn chưa được giải quyết dù đã được chỉ ra từ lâu. Đó là những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Là một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ. Là công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm. Là quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...

Ngoài những nguyên nhân này, tại Hội nghị trực tuyến trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư với các địa phương - một trong những hoạt động đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã nhấn mạnh thêm rằng, dù hiện nay, cơ chế chính sách đã và đang được hoàn thiện nhưng dù vậy cũng chưa bao giờ theo kịp thực tiễn và nhiều cách hiểu khác nhau cũng đã nảy sinh. Bởi vậy, Tổ công tác sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới.

Đây là tiền đề, là cơ sở quan trọng để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận diện đúng và xử lý kịp thời các "điểm nghẽn" - cả trực tiếp và gián tiếp, cả khách quan và chủ quan. Bên cạnh đó, cần xác định rõ giải pháp mang tính đột phá chính là nhận thức, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân, bộ phận chức năng liên quan trong quy trình quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện dự án.

Ninh Hà