Nhân lực và tài chính - Nhân tố quyết định cho sự phát triển khoa học và công nghệ

- Thứ Hai, 27/05/2013, 10:49 - Chia sẻ
ĐBQH, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Minh Hoàng đã khẳng định như vậy khi đóng góp ý kiến cho dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng cho rằng, nhân lực khoa học và công nghệ và tài chính cho khoa học và công nghệ là hai nhân tố đóng vai trò quyết định cho sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và KT- XH nói chung của đất nước.

- Điều gì sẽ quyết định sự phát triển mạnh mẽ của KHCN  thưa đại biểu ?

ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng:  2 vấn đề then chốt trong số các nguồn lực khoa học và công nghệ, đó là: nhân lực khoa học và công nghệ và tài chính cho khoa học và công nghệ. Bởi đây là hai nhân tố đóng vai trò quyết định cho sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và KT-XH nói chung của đất nước.

Về nhân lực khoa học và công nghệ: thì so với nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hiện nay còn nhiều bất cập như: cơ cấu đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ theo độ tuổi và theo trình độ chưa phù hợp; sự phân bố nhân lực khoa học và công nghệ có sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là cán bộ có trình độ cao, dẫn đến hoạt động khoa học và công nghệ địa phương gặp nhiều khó khăn (gần 90% tập trung ở hai thành phố lớn là Hà nội và TP Hồ Chí Minh); cơ cấu giữa các ngành, các lĩnh vực chưa hợp lý; chưa có sự tập trung đối với một số lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên; các cơ sở đào tạo chuyên ngành khoa học và công nghệ nhỏ lẽ, chưa có quy hoạch đồng bộ; chính sách phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ chưa phù hợp với chính sách phát triển KT-XH… Chính vì vậy theo tôi, dự án Luật cần quy định cụ thể xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực khoa học và công nghệ phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển KT- XH của từng vùng, từng địa phương và từng thời kỳ; quy hoạch nhân lực khoa học và công nghệ phải có tính khả thi cao, phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Về tài chính cho khoa học và công nghệ, tôi cho rằng vấn đề đổi mới cơ chế quản lý tài chính khoa học và công nghệ là một trong những nội dung chủ yếu trong cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, cần phải được đổi mới cơ bản và toàn diện cho đồng bộ nhằm tạo điều kiện và cởi trói cho khoa học và công nghệ phát triển. Do đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ phải được tham gia đầy đủ và toàn diện vào quá trình thẩm định nội dung và yêu cầu về khoa học và công nghệ đối với tất cả các dự án đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, ngành và địa phương, tổng hợp và đề xuất để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đưa vào kế hoạch trình Chính phủ; đồng thời Bộ Khoa học và Công nghệ được quyền quản lý và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc sử dụng có hiệu quả phần kinh phí này.

- Một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển và đóng góp của KHCN là vướng mắc về thủ tục tài chính. Vậy vấn đề này ở Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Bạc Liêu như thế nào, thưa đại biểu?

ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng: Về nguyên tắc chung vẫn áp dụng cơ chế hiện hành, tổ chức Hội đồng khoa học tư vấn, xác định danh mục, nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tổ chức thẩm định kinh phí cho từng nhiệm vụ. Đồng thời, bổ sung quy định ngoại lệ đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ như sau: điều chỉnh mức chi cho phù hợp với thực tế và biến động về giá cả; đơn giản hóa tối đa hồ sơ, chứng từ và thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tiến tới xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các đề tài, dự án dần dần thực hiện cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng.

- Còn việc triển khai cơ chế khoán chi được áp dụng tại Sở đã mang lại những kết quả gì thưa đại biểu?

ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng: Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu đã thử nghiệm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng từ những năm 1998 – 2000. Qua việc thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong khoa học và công nghệ cho thấy, cơ chế này rất phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần khắc phục những vấn nạn hóa đơn, chứng từ giả. Cùng với đó là giảm việc các nhà khoa học phải mất nhiều thời gian cho những hoạt động không phải là nghiên cứu khoa học; đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, nhằm đưa ra các kết quả áp dụng kịp thời. Mặt khác, dần xóa bỏ cơ chế xin - cho, cơ chế tài chính hành chính cứng nhắc, máy móc không phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ.

- Để  doanh nghiệp quan tâm và đầu tư nhiều  cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, theo đại biểu cần có những giải pháp gì?

ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng: Tôi cho rằng doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế quốc dân và công nghệ tạo nên sức sống cho tế bào đó. Đổi mới công nghệ của doanh nghiệp không chỉ tăng cường sức sống cho doanh nghiệp mà còn tăng cường sức mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân. Cũng chính vì lý do đó, mà nền khoa học công nghệ quốc gia không chỉ định hướng mà hỗ trợ, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Cụ thể: hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận và tiếp thu cũng như sử dụng sáng tạo các công nghệ mới có hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Hai là, tư vấn cho doanh nghiệp tìm hiểu về năng lực, nhu cầu công nghệ, đánh giá và thẩm định công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Ba là, khuyến khích doanh nghiệp trong việc áp dụng, thích nghi, tiếp thu và phát huy sáng tạo các công nghệ trong sản xuất và đời sống.

Cũng liên quan đóng góp cho dự án Luật về Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, theo tôi nên ưu tiên khuyến khích hỗ trợ kinh phí tối đa 30% cho các doanh nghiệp, công ty trích 10% lợi nhuận trước thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ. Cùng với đó, hoàn thiện áp dụng cơ chế thông thoáng, phù hợp để nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nguồn ngân sách nhà nước, thu hút các thành phần xã hội tham gia hoạt động khoa học và công nghệ.

-  Xin cám ơn đại biểu!

Vi Hoa thực hiện