Nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”

- Thứ Tư, 11/08/2021, 06:19 - Chia sẻ
Năm 2019, toàn TP. Hà Nội phát sinh 5.063 vụ việc tiếp nhận hòa giải; năm 2020, đã tiếp nhận 4.596 vụ việc hòa giải; trong 6 tháng đầu năm 2021, TP. Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 2.098 vụ việc hòa giải, đã hòa giải thành công 1.577/1.953 vụ việc, 145 vụ việc đang hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành công đạt 80,75%). TP. Hà Nội hiện có 4.975 tổ hòa giải với tổng số 32.075 hòa giải viên, trong đó có 2.637/4.975 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (chiếm 53%).

Đây là những con số đáng ghi nhận trong nỗ lực đưa pháp luật hòa giải cơ sở đến đời sống và cũng là cơ sở để nhiều người cho rằng, cần nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đến các địa phương, góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan chức năng (công an, tòa án, viện kiểm sát…), bởi mô hình đã gắn trách nhiệm của hòa giải viên với chính quyền cơ sở.

Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” được hình thành từ việc Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố xây dựng Chương trình phòng chống tội phạm của thành phố thí điểm trong năm 2002 - 2003. Từ hiệu quả của mô hình, năm 2016 TP. Hà Nội đã ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn thủ tục công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn.

“Tổ hòa giải 5 tốt” có 5 tiêu chí gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở giữa người dân và chính quyền như: Phối hợp tốt giữa Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt; được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật; định kỳ giao ban 6 tháng, hằng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định…

Ngoài ra, để triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo gắn mô hình này với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn. Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác hòa giải, thì ngoài tiêu chí chung thì phải có trên 50% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” cùng với đó là gắn tiêu chí đánh giá đơn vị cấp xã, cấp huyện thực hiện tốt công tác hòa giải.

Có thể thấy, để "Tổ hòa giải 5 tốt" thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bên cạnh việc gắn trách nhiệm, TP. Hà Nội đã thực hiện tốt các quyền của hòa giải viên, như: được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt; được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Đây là yếu tố có tính chất quyết định đến sự gắn kết giữa hòa giải viên với công tác giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Và nếu muốn mô hình này được nhân rộng, thì các địa phương cần bảo đảm được các yếu tố cần và đủ đó, tránh tình trạng nhân rộng đồng loạt không vừa không phát huy được mô hình lại ảnh hưởng đến công tác hòa giải ở cơ sở. Vì trên thực tế không ít địa phương kinh phí dành cho hòa giải lại phân bổ cho hoạt động khác hoặc được phân bổ rất hạn chế.

Nguyễn Minh