Triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP

Nhanh nhất và hiệu quả nhất

- Thứ Ba, 12/10/2021, 15:11 - Chia sẻ
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội (BHXH Việt Nam) đã phối hợp cùng các bộ, ngành đề xuất chi hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với tổng kinh phí của gói hỗ trợ là 38.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ lớn được xây dựng khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn; nội dung công việc chuẩn bị cho quá trình triển khai hỗ trợ đã sẵn sàng. Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Thể hiện tính nhân văn, sẻ chia

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ người lao động, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất. BHXH Việt Nam với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế cũng rất chủ động trong phối hợp, xây dựng chính sách; bảo đảm triển khai chính sách hỗ trợ nhanh nhất, chủ động nhất.

Chính sách hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng
Khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng

Đơn cử, BHXH Việt Nam đã tham gia vào quá trình xây dựng Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ; đặc biệt là thực hiện việc đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất cũng đã được BHXH Việt Nam thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, rút ngắn thủ tục xuống chỉ còn 1 ngày. Gói hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp lần này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với chính sách an sinh xã hội, phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp với cả người lao động và chủ sử dụng lao động.

Đại diện BHXH Việt Nam nhấn mạnh, việc triển khai chính sách hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm hài hòa quyền lợi, theo nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tính chia sẻ thể hiện ở chỗ, những người có quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp thấp, dưới 12 tháng nhưng vẫn được hỗ trợ; người lao động làm việc ở cơ quan nhà nước chia sẻ khó khăn với người lao động tại các doanh nghiệp. Điều kiện thủ tục hưởng rất đơn giản, miễn là bảo đảm có đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ và doanh nghiệp sẽ được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Không ít chuyên gia cho rằng, khoản hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ là nguồn động lực giúp các doanh nghiệp thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Bởi theo ước tính của BHXH Việt Nam, với khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng thì số tiền dự kiến sẽ là trên 8.000 tỷ đồng. Với số tiền giảm đóng này, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí sử dụng cho công tác phòng, chống dịch; đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Bảo đảm quy trình, thủ tục đơn giản

Ngành BHXH Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chính sách, ban hành văn bản số 3068/BHXH-CSXH ngày 1.10.2021 của BHXH Việt Nam về thực hiện Quyết định số 28/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. BHXH Việt Nam cũng xây dựng quy trình đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; trên cơ sở nền tảng dữ liệu về quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin của ngành.  Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng chú trọng chỉ đạo, bảo đảm cho doanh nghiệp, người lao động tại các khu vực ngành nghề, tỉnh, thành phố gặp nhiều khó khăn được tiếp cận chế độ, chính sách.

Khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đến nay, BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ quỹ này cho trên 117.000 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 42.500 người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 370 tỷ đồng.

Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đỗ Ngọc Thọ cho biết, về quy trình, cơ quan BHXH sẽ gửi danh sách người lao động được hưởng hỗ trợ đến doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp phổ biến đến người lao động, xác nhận, cập nhật, bổ sung thông tin (nhân thân, số tài khoản, số điện thoại)... Tiếp đó, cơ quan BHXH sẽ đối soát và thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ đến người lao động. BHXH Việt Nam cũng khuyến khích ưu tiên việc chi trả trực tiếp đến người lao động qua thẻ ATM, không qua khâu trung gian. Thời gian tối đa để xử lý thủ tục là 5 ngày. Với người lao động đang được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, có thể đến cơ quan BHXH gần nhất để được giải quyết hưởng chế độ; thời gian tối đa để giải quyết hưởng cũng là 5 ngày. Trong trường hợp người lao động không đủ điều kiện hưởng, cơ quan BHXH phải có thông báo rõ lý do.

Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ Dương Văn Hào nhấn mạnh, quy trình giải quyết hưởng chế độ hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp được xây dựng bảo đảm nhịp nhàng, nhanh gọn, thời gian xử lý thủ tục nhìn chung rút ngắn hơn so với yêu cầu của Chính phủ. Trước mắt, phải triển khai ngay việc thông báo đến các doanh nghiệp được đóng 0% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ước tính số tiền được giảm đóng; nội dung công việc này tương tự như đã làm với việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được triển khai trước đó.

Tương tự, cơ quan BHXH cũng nhanh chóng gửi ngay danh sách người lao động được hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp đến các đơn vị sử dụng lao động, từ đó chuyển người lao động rà soát, xác nhận thông tin, bổ sung, cập nhật thông tin nếu cần. Các khâu xử lý nghiệp vụ của cơ quan BHXH phải được phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và sẽ được giải quyết trong 1 ngày; các trường hợp cần bổ sung, thay đổi thông tin có thể dài hơn nhưng nhìn chung phải được xử lý nhanh gọn cho người lao động và doanh nghiệp.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Dương Cầm