Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Nhanh nhạy hơn với thay đổi của cuộc sống

- Thứ Sáu, 24/09/2021, 06:08 - Chia sẻ
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Ba vừa qua bao gồm 7 nhóm chính sách đề cập trực tiếp và khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập về quyền tác giả, các quyền liên quan, đồng thời có sửa đổi, bổ sung để tương thích với các cam kết và điều ước quốc tế. Nhưng, một trong những vấn đề được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra, đó là dự thảo Luật chưa bổ sung nhóm chính sách chuyển đổi số.

Thiếu nhóm chính sách về chuyển đổi số

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, các sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thời gian qua là không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.

Vì thế, tại lần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ này, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ một điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Cụ thể, có nhóm chính sách về bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

7 nhóm chính sách nêu trên đã cơ bản giúp hoàn thành mục tiêu đặt ra khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, trong bối cảnh hiện nay, thì nhóm chính sách về chuyển đổi số nên được bổ sung, trở thành một trong những nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này. Bởi, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 25% GDP. Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ Ba vừa qua) cũng có những tính toán để đo lường được kinh tế số, chuyển đổi số.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, các chế định trong 7 nhóm chính sách nêu trong dự thảo Luật lần này tuy không nêu tên cụ thể, nhưng cũng hướng đến thúc đẩy chuyển đổi số. Do vậy, nếu được gom lại thành một nhóm chính sách về chuyển đổi số sẽ giúp dự thảo Luật "bắt nhạy" hơn với chuyển đổi của cuộc sống.

Để thực hiện mục tiêu này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, trong sửa đổi, bổ sung lần này cần quan tâm đưa quy định xử lý về công nhận tác giả, quyền nhân thân, quyền tài sản, trí tuệ nhân tạo độc lập sản sinh ra những sản phẩm mới, hoặc kết hợp với con người. Bởi, vấn đề tác giả và quyền tác giả đối với các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo không còn xa vời, trí tuệ nhân tạo có sức sáng tạo rất lớn, từ viết văn, chơi nhạc đến hỗ trợ cho lập trình viên viết phần mềm...

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các cơ quan có liên quan cần quan tâm bổ sung quy định về phạm vi bảo hộ dữ liệu, sản phẩm được tạo ra bởi công nghiệp in 3 chiều. Công nghệ in 3 chiều không mới, đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, giúp in ra nhiều sản phẩm cần thiết cho cuộc sống. Qua vận hành của một số doanh nghiệp khoa học công nghệ gần đây đã cho thấy, nhu cầu cần có chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc nhóm này với các dữ liệu nêu trên.  

Nguồn: ITN

Chuyển đổi số - xu hướng quan trọng

Gợi mở và đề nghị cụ thể hơn về nội dung chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, một số vấn đề cần được xem xét bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó có thủ tục về đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến, tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến và tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp trực tuyến được cập nhật nhanh nhất có thể. “Chuyển đổi số đang là xu hướng rất quan trọng hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến kinh doanh, đến hội nhập kinh tế quốc tế về sở hữu công nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Do đó, cùng với việc xem xét bổ sung một số quy định liên quan đến chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quy định liên quan đến công nhận các loại tài sản số, nhất là quy định về khái niệm bí mật kinh doanh trong dự thảo Luật còn khá chung chung và khó hiểu. Trong khi đó, Bộ Công an hiện đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nội dung này cũng đã được quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, thậm chí có những quy định cấm các hành vi mua bán dữ liệu người dùng. Song, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, việc coi dữ liệu cá nhân có phải là bí mật kinh doanh hay không và có phải là một dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ theo pháp luật hay không chưa được thể hiện rõ tại dự thảo Luật. Cùng với đó, dự thảo Luật cần xem xét sửa đổi, bổ sung để ghi nhận, bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trong kinh tế số và cả những quy định liên quan đến bảo vệ tài sản số tương ứng trong các loại hợp đồng, kể cả dân sự, lao động...

Là một trong những đạo luật "đầu tay" của Quốc hội Khóa XV và rất khó, song, bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Ba vừa qua đã có nhiều thay đổi tích cực so với các bản dự thảo trước đó. Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, "gạn đục khơi trong", lắng nghe ý kiến của tất cả các bên liên quan, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học. Qua đó, có sự bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật, thể hiện được sự "kết tinh trí tuệ" của đại biểu Quốc hội, của các giới, các ngành trong dự án Luật quan trọng này.

Lê Bình