Nhiệm vụ ưu tiên

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 08:19 - Chia sẻ
Những thông tin trong bản kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại 3 tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa được Thanh tra Chính phủ công bố một lần nữa cho thấy thực trạng đáng quan ngại về hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và yêu cầu cấp thiết điều chỉnh chính sách và pháp luật hiện hành về đất đai.

Cụ thể, thông báo của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong vòng 7 năm, từ 2010 đến 2017, tổng số đất nông nghiệp mà Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Chè Việt Nam được Nhà nước giao quản lý, khai thác nhưng bị lấn, chiếm chưa thu hồi lên tới gần 19.000ha. Ngoài ra, 3 đơn vị này còn cho thuê đất, cho liên doanh, liên kết sai mục đích, không đúng quy định với nhiều tổ chức tại các địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội... những nơi mà giá đất và quyền sử dụng đất luôn khan hiếm, giá cao.

Riêng với đất nông, lâm trường vào năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một chuyên đề giám sát thực trạng quản lý phần đất này. Quá trình giám sát cho thấy hầu hết các nông, lâm trường, trạm, trại đều không có bản đồ, hồ sơ địa chính, việc thống kê, kiểm kê và rà soát hiện trạng sử dụng đất hàng năm thực hiện không đầy đủ. Phát biểu trên nghị trường, có đại biểu tính toán rằng, các nông, lâm trường quản lý khoảng 8 triệu hecta đất, nhưng trong 10 năm (2004 - 2014) chỉ nộp ngân sách được 1.800 tỷ đồng, tính bình quân chỉ đạt 90.000 đồng mỗi hecta/năm, tương đương khoảng 5kg gạo.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hàng loạt vụ việc sai phạm liên quan đến đất đai, đến thất thoát lớn về công sản nhà nước đã được phanh phui; nhiều cán bộ từ “nhỏ” đến “to” đã bị khởi tố, bị kỷ luật vì vi phạm các quy định pháp lý về quản lý tài nguyên đất.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng 2 lần nhắc tới cụm từ “đất đai” và đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận mới để sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực này. Trong phần nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, xác định rõ yêu cầu “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”. Tiếp đó, trong phần các đột phá chiến lược, Nghị quyết xác định phải “huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai”.

Từ định hướng của Đại hội XIII, nhiệm vụ của Chính phủ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ này cũng như nhiệm kỳ kế tiếp là sửa đổi và cụ thể hóa các yêu cầu kể trên thành chính sách và các quy định pháp lý chi tiết về quản trị đất đai và công sản liên quan đến tài nguyên đất. Để đạt mục tiêu điều chỉnh các quy định hiện hành trong Luật Đất đai 2013, điều quan trọng cần làm là rà soát và đánh giá các quy định còn trùng lặp, chồng lấn trong các lĩnh vực chuyên ngành như luật bảo vệ và phát triển rừng (cho phần đất lâm nghiệp); Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch và các luật chuyên ngành khác liên quan đến đất ở, đất khu vực đô thị, đất cho xây dựng khu công nghiệp… Về mặt tiếp cận, chính sách đất đai cần được xem xét toàn diện, và Luật Đất đai 2013 chỉ là một trong những hợp phần pháp lý liên quan chứ không phải là bộ luật duy nhất điều chỉnh vấn đề đất đai.

Tính chất quan trọng và phức tạp của vấn đề tài nguyên đất cho thấy sự thận trọng là cần thiết. Tuy nhiên, khi nhiệm kỳ Chính phủ khóa này chưa giải quyết trọn vẹn vấn đề chính sách đất đai, nhiệm kỳ Chính phủ kế tiếp cần coi đây là vấn đề căn bản, từ đó ưu tiên xử lý vấn đề nền tảng này. Đây không chỉ là vấn đề sửa đổi một bộ luật cụ thể trong ngắn hạn mà là phục vụ nhu cầu phát triển dài hạn của đất nước.

Hà Lan