Nhiều “bí quyết” thúc đẩy đấu thầu qua mạng

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:45 - Chia sẻ
Đấu thầu qua mạng có một năm thành công vượt bậc khi từ rất sớm đã vượt xa các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020. Thực tế cho thấy, góp phần vào kết quả này không chỉ là quyết tâm mà còn là cách làm sáng tạo của nhiều đơn vị, địa phương.

Thay đổi nhận thức của nhà thầu

12 dự án sửa chữa định kỳ quốc lộ và tỉnh lộ do Ban quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh triển khai trong năm nay đều lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng.

Đại diện Ban quản lý cho biết, các vị trí cải tạo, sửa chữa đều mang tính cấp bách bởi liên quan trực tiếp đến việc tham gia giao thông của người dân, do vậy công tác lựa chọn nhà thầu được giám sát chặt chẽ, tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước. Đặc biệt, thực hiện Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định đấu thầu qua mạng đối với gói thầu tư vấn không quá 5 tỷ đồng, Ban quản lý đã công khai 100% hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thực hiện đấu thầu qua mạng, lựa chọn nhà thầu triển khai dự án.

Để áp dụng hiệu quả đấu thầu qua mạng, Ban Quản lý đã đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ có kinh nghiệm, năng lực để tham gia mời thầu; đồng thời tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen và nhận thức cho nhà thầu trong quá trình chuyển đổi từ hình thức lựa chọn nhà thầu trực tiếp (truyền thống) sang lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Trong quá trình mời thầu qua mạng, các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định, đại diện Ban quản lý nhấn mạnh. Chủ đầu tư và nhà thầu sau khi thực hiện đăng ký tham gia hệ thống sẽ được cấp chứng thư số. Việc hủy chứng thư số có thể do bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư tự thực hiện theo hướng dẫn sử dụng hoặc gửi công văn yêu cầu hủy chứng thư số đến Trung tâm. Các bên có thể sao chép chứng thư số và lưu trữ. Điều này đã giúp giảm được thời gian, chi phí đi lại, ngân sách nhà nước và giảm bớt một số đầu mối thủ tục hành chính.

Cũng theo thông tin từ Ban quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, trong số 12 dự án được đấu thầu qua mạng, đến nay có 3 dự án thi công xong, đang hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu; 4 dự án đang thi công; 5 dự án đã lựa chọn xong nhà thầu thi công, dự kiến khởi công cuối tháng 10, hoàn thành trong năm nay. Theo đánh giá năng lực, các nhà thầu đấu thầu qua mạng đều đảm bảo đáp ứng tiến độ, sớm hoàn thành công trình đưa vào khai thác, qua đó phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân an toàn, thuận lợi.

Nhiều đơn vị tập trung nâng cao nghiệp vụ đấu thầu qua mạng cho cán bộ  

Nguồn: ITN 

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Thống kê của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho thấy, Thanh Hóa là một trong những địa phương có sự bứt tốc về đấu thầu qua mạng với tỷ lệ gói thầu qua mạng tăng từ 64,5% năm ngoái lên 95,5% trong năm nay, vượt cả kế hoạch của tỉnh.

Để có thành quả này, ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc lựa chọn nhà thầu qua mạng. Đặc biệt, người đứng đầu đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án, gói thầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng.

Cụ thể, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1.2.2020 đến 31.12.2020, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng, trừ trường hợp các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc có tính đặc thù. Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đạt tối thiểu 50% các gói thầu đấu thầu rộng rãi còn lại (không bao gồm các gói thầu quy mô nhỏ). Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2020 phải đảm bảo tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng ban hành Công văn số 2466/UBND-KH&ĐT, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu và thúc đẩy áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2020. Văn bản cũng nêu rõ, căn cứ kết quả tổng kết việc thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng hàng năm theo kế hoạch, UBND thành phố sẽ đánh giá về việc hoàn thành nhiệm vụ được giao và có hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các đơn vị.

Quyết tâm và cách làm sáng tạo của các đơn vị, địa phương đã mang đến một năm thành công cho đấu thầu qua mạng. Tính đến ngày 20.11, tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng đạt 85,8% về số lượng gói thầu (83,9 nghìn gói thầu) và 52,9% về tổng giá trị gói thầu (256 nghìn tỷ đồng), vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao cho năm 2020.

Hà Lan