Tổng tuyển cử của Đức

Nhiều biến động và khó đoán

- Thứ Năm, 05/08/2021, 06:31 - Chia sẻ
Cuộc chạy đua để thay thế bà Angela Merkel làm Thủ tướng đang dần trở nên nóng hơn, khi chưa đầy 2 tháng nữa nước Đức sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử quan trọng. Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, có một vài lý do có thể khiến cuộc bầu cử này biến động nhiều hơn tưởng tượng.

Theo Newstateman, nếu điểm qua các sự kiện chính về cuộc bầu cử liên bang sắp tới của Đức, dường như có thể đoán được xu hướng dù nó diễn ra khá thận trọng. Sự trỗi dậy của đảng Xanh trung tả đã giảm đi, trong khi Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trung hữu lại dẫn trước khá thoải mái. Dẫu vậy, cuộc bầu cử vào ngày 26.9 tới trên thực tế nhiều khả năng khó đoán hơn so với vẻ ngoài, vì năm lý do cơ bản.

Nguồn: The Guardian

3 ứng cử viên hàng đầu

Thứ nhất, cuộc bầu cử này không có lãnh đạo đương chức tham gia. Bà Merkel là Thủ tướng Đức đầu tiên tự mình quyết định dừng chân hoàn toàn. Tất cả bảy người tiền nhiệm của bà, hoặc từ chức vì áp lực chính trị hoặc vì họ không thể thành lập hay duy trì một liên minh đa số. Vì vậy, đây là cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử của nước cộng hòa liên bang, trừ cuộc bầu cử vào năm 1949, mà không có Thủ tướng đương nhiệm nào tranh cử. Điều đó tự nó mang lại cho chiến dịch bầu cử một mức độ cởi mở mới.

Phong cách nhẹ nhàng, tương đối phi chính trị của bà Merkel đã thống trị các cuộc bầu cử gần đây. Vì vậy, nhiều người tự hỏi, sự vắng mặt của nó sẽ thay đổi chiến dịch như thế nào? Bà từng nhận được sự ủng hộ mãnh liệt của những người được gọi là “cử tri Merkel” (đặc biệt là cử tri nữ, những người ôn hòa về kinh tế và cử tri dân tộc thiểu số), những người mặc dù không gắn bó đặc biệt với CDU, nhưng đã bỏ phiếu cho đảng để ủng hộ bà. Vậy họ sẽ đi đâu?

Hãy xem xét ba ứng cử viên chính của vị trí Thủ tướng : Ông Armin Laschet là thành viên cùng đảng CDU của bà Merkel nhưng khác về phong cách và dường như không nhận được nhiều hỗ trợ từ bà trong chiến dịch tranh cử. Ông Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) tuy đến từ một đảng khác nhưng lại giữ chức Phó Thủ tướng và có tính cách khá giống bà Merkel. Trong khi đó, bà Annalena Baerbock của đảng Xanh là người gần nhất với hình ảnh “ứng cử viên của thay đổi”, nữ chính trị gia hiếm hoi giống như bà Merkel trong hệ thống chính trị mà đàn ông vốn thống trị. Được biết, bà cũng là người có mối quan hệ thân thiện với nữ Thủ tướng sắp mãn nhiệm. Vậy ai trong số họ sẽ giành được sự ủng hộ từ các cử tri ruột của người đứng đầu Chính phủ Đức đương nhiệm?

Thứ hai, sự khó lường trong cuộc bầu cử tới là cả ba ứng viên trên đều có những điểm yếu. Ông Laschet là người hay biểu lộ cảm xúc không đúng lúc - gần đây ông bị quay cảnh đang cười trong khi Tổng thống Đức đưa ra tuyên bố đau buồn về trận lũ lụt gây thương vong ở chính quê hương ông. Nhiều người đã đánh giá, ông giống thị trưởng một thị trấn nhỏ hơn là nhà lãnh đạo thế giới tiềm năng. Trong khi đó, ông Scholz và đảng của ông phải "vật lộn" trong nhiều năm dưới cái bóng của bà Merkel. Còn bà Baerbock không có nhiều kinh nghiệm điều hành và hầu như chưa được thử thách trong nền chính trị quốc gia. Ngoài ra, bà từng bị truyền thông tấn công trong chiến dịch ban đầu. Các chỉ trích nhằm vào bà khi khai báo không chính xác trong lý lịch, chậm trễ trong báo cáo thu nhập bổ sung hay đạo văn…

Những thiếu sót đó trong cả ba ứng cử viên có thể tạo ra những kết quả bầu cử bất ngờ. Cuộc thăm dò của Forschungsgruppe Wahlen cho Đài Truyền hình ZDF, được công bố vào cuối tháng 7, cho thấy sự gia tăng đáng kể tỷ lệ người Đức muốn ông Scholz trở thành Thủ tướng (tăng 3 điểm lên 54%) và sự sụt giảm lớn đối với ông Laschet (giảm 12 điểm xuống 35%). Điều này có khả năng là phản ứng đối với cách hành xử của ông trong trận lũ nghiêm trọng nói trên, nhưng mặt khác cũng nói lên việc các cử tri không mấy ấn tượng với ứng cử viên của CDU, cũng như của đảng Xanh.

Nhiều ẩn số

Trận lũ lụt kinh hoàng gần đây ở các khu vực miền Tây nước Đức, cùng nhiều sự kiện khác chỉ ra khả năng khó lường thứ ba của cuộc bầu cử tháng 9. Thực tế, nhiều điều có thể xảy ra trong 8 tuần từ nay cho đến cuộc bầu cử. Những minh họa cụ thể hơn về cuộc khủng hoảng khí hậu (thể hiện qua trận lũ bất thường) có thể đẩy vấn đề đó lên cao hơn trong chương trình nghị sự. Những người theo dõi chính trị Đức với trí nhớ tốt có thể trích dẫn ví dụ về trận lụt trong chiến dịch bầu cử năm 2002 đã thúc đẩy vị thế của Thủ tướng Gerhard Schröder của đảng SPD lúc đó như thế nào.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 sẽ diễn biến ra sao - số trường hợp nhiễm bệnh ở Đức tuy tương đối thấp nhưng đang tăng trở lại - vì thế khó có thể thấy trước được ứng cử viên nào gặp bất lợi hoặc có lợi về mặt chính trị. Ngoài ra, các cuộc tranh luận ba chiều trên truyền hình, trong đó cuộc tranh luận thứ hai ngày 29.8, cũng có khả năng thách thức hoặc lật ngược nhận thức của cử tri về các ứng cử viên.

Ngoài 3 "chiếc vé" hàng đầu giành chức Thủ tướng Đức tương lai của CDU với đảng chị em CSU, đảng SPD và đảng Xanh, nhiều vấn đề đang nổi lên ở những nơi khác có thể thay đổi động lực của chiến dịch bầu cử hoặc kết quả của nó. Chẳng hạn, đảng Dân chủ Tự do bảo thủ (FDP) đã trỗi dậy trong các cuộc thăm dò như một tiếng nói thách thức một số biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19. Đảng này quyết tâm ngăn chặn liên minh CDU/CSU với đảng Xanh và thay vào đó cổ vũ tạo ra liên minh “Jamaica”. Sau khi bắt đầu đàm phán cho một liên minh như vậy vào năm 2017, FDP hiện cho thấy sự nghiêm túc của mình về việc tham gia vào Chính phủ. Liên minh Jamaica là Chính phủ gồm 3 màu: Đen (CDU/CSU), Vàng (FDP) và Xanh (đảng Xanh) theo màu lá quốc kỳ của Jamaica.

Đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) tuy ổn định vị trí trong hệ thống đảng của Đức nhưng vẫn còn non trẻ và yếu ớt, nên dễ biến động. Các đơn vị bầu cử của đảng Cánh tả của những người xã hội chủ nghĩa đang nghiêng dần từ phần lớn các cử tri lớn tuổi ở miền Đông sang những cử tri trẻ hơn ở các thành phố trên khắp đất nước. Và có một cơ hội nhỏ, dù không đáng kể là đảng Cử tri Tự do bảo thủ có thể được tham gia Hạ viện, từ đó có khả năng biến đổi khả năng liên minh.

Một yếu tố nữa cũng có thể ảnh hưởng đến kết cục của bầu cử liên quan đến những câu hỏi như: Tương lai của mô hình công nghiệp, tài khóa và xã hội của Đức trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, kinh tế carbon thấp và dữ liệu lớn (big data) là gì? Làm thế nào để xã hội Đức đang già đi nhưng đa dạng hơn có thể tìm thấy bản sắc chung cho những thập kỷ tiếp theo? Vai trò nào đối với Đức ở châu Âu và trong thế giới mà người bảo lãnh an ninh (Mỹ) và đối tác thương mại chính (Trung Quốc) ngày càng căng thẳng? Đó là những câu hỏi mà hàm ý của nó vang xa ngoài biên giới nước Đức. Vì vậy, ai chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ phải là người tìm ra câu trả lời thuyết phục nhất.

Ngọc Minh