Công tác tư pháp nhiệm kỳ 2016 - 2021

Nhiều chuyển biến tích cực

- Thứ Tư, 13/01/2021, 06:33 - Chia sẻ
Đánh giá kết quả công tác của ngành tòa án và viện kiểm sát trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, tại phiên họp sáng qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, so với các nhiệm kỳ trước, công tác tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, để lại dấu ấn tốt và đóng góp tích cực vào việc ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai nghiêm túc Hiến pháp 

Theo ghi nhận của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Tòa án nhân dân (TAND) các cấp đã cơ bản thực hiện được các chỉ tiêu và yêu cầu theo Nghị quyết 37 và Nghị quyết 96 của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác thi hành án. Trong đó, nhiều chỉ tiêu vượt con số Quốc hội giao khá lớn. Ví dụ, tỷ lệ giải quyết án hình sự của ngành tòa án đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 96. Tỷ lệ giải quyết án dân sự cũng đạt 97,3%, vượt 19,3% so với chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội. Tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự, dân sự bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan về cơ bản cũng đạt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. Tỷ lệ giải quyết án hành chính sau nhiều năm đạt tương đối thấp thì đến năm 2020 cũng đạt 68,8%, vượt 8,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội. “Đó là những kết quả rất nổi bật, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của ngành Tòa án trong khắc phục khó khăn để thực hiện các yêu cầu, chỉ tiêu của Quốc hội giao”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Thăng Long

Ngành kiểm sát nhân dân (KSND), theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cũng đã có rất nhiều cố gắng. Ví dụ, Viện KSND các cấp đã ban hành được 4.837 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm pháp luật và 1.278 kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm. Trong đó, tỷ lệ kiến nghị, kháng nghị được chấp nhận thực hiện đạt 99,5%, vượt xa so với chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đề ra là trên 80%. Hay là tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm cũng đạt 99%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong Nghị quyết 37 và Nghị quyết 96 của Quốc hội xác định tỷ lệ theo quyết định truy tố đúng thời hạn là trên 90%, số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố, bảo đảm truy tố bị can đạt trên 95%...

So sánh hoạt động của ngành tư pháp, trong đó có TAND và Viện KSND các cấp giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII và Khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong nhiệm kỳ này có nhiều tiến bộ, bắt nguồn từ việc triển khai nghiêm túc Hiến pháp năm 2013.

“Tôi nhớ cuối nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII và đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, hai ngành TAND và Viện KSND đã tập trung đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ các vấn đề khó khăn. Trong đó, hai khó khăn lớn nhất của các đồng chí là cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và nhân sự”. Nhắc lại điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đánh giá, đến nay, hai khó khăn này cơ bản đã được tháo gỡ tốt và đây là yếu tố đóng góp rất quan trọng cho thành công của hai ngành Tòa án và Viện kiểm sát trong nhiệm kỳ vừa qua. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho rằng, thành công của các ngành tư pháp trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua có sự phối hợp tốt của các cơ quan Quốc hội. "Chúng ta đưa ra hệ thống chỉ tiêu để có cơ sở đánh giá, cơ bản các chỉ tiêu chúng ta hoàn thành tốt. Tất cả các chỉ tiêu của ngành tư pháp đã được cụ thể hóa ở con số và khi tổ chức triển khai thực hiện thì rõ ràng, chúng ta có cơ sở để đánh giá”, ông nói. 

Nâng cao hiệu quả chống tham nhũng

Một kết quả nổi bật của ngành tư pháp trong nhiệm kỳ này là tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. Theo báo cáo của TAND tối cao, bên cạnh việc xét xử các vụ án, vụ việc và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, ngành tòa án cũng đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo công tác của Viện KSND tối cao cho biết, nhiệm kỳ qua, Viện KSND đã tập trung giải quyết, kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc. Tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng. Quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần làm rõ hơn kết quả thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, trước đây, chỉ khi tuyên án xong mới chúng ta mới thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng. Nhưng trong nhiệm kỳ này, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngay từ giai đoạn đầu khởi tố vụ án điều tra đã phải quan tâm tới thu hồi tài sản. Từ cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án đều tích cực thực hiện. “Đó là tinh thần mới trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng và là một điểm mới về cách làm”, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục về thu hồi tài sản tham nhũng đã được tháo gỡ. Trước đây, có những trường hợp chúng ta thu hồi nhưng phối hợp không cao. Bây giờ, do nhiệm vụ chính trị đặt ra nên các cơ quan phối hợp ngay từ đầu. Có những thủ tục ban hành những quy định để hỗ trợ cho các biện pháp này.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng và ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị, cần sớm ban hành Luật Đăng ký tài sản, coi đây là công cụ để tăng cường minh bạch về tài sản. “Hiện nay, kê khai tài sản chỉ thực hiện đối với cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, nhưng khi người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên”. Nêu lên thực tế này, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết thêm, có những người 20 - 30 tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ. “Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nếu có luật này, khi đăng ký một tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị hỏi ngay, và như vậy sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý”, ông nói.

Nhật An