Nhiều cống hiến to lớn cho xây dựng nền dân chủ và pháp luật xã hội chủ nghĩa

- Chủ Nhật, 08/08/2021, 07:09 - Chia sẻ
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo là tấm gương của người cộng sản mẫu mực, nhà yêu nước chân chính và người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp, với mong mỏi lớn nhất là đất nước ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, ông đã có nhiều cống hiến to lớn vào xây dựng nền dân chủ và pháp luật xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là khẳng định của nhiều đại biểu, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh” diễn ra sáng qua dưới hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và Bắc Ninh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội thảo khoa học cấp quốc gia Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh”
Ảnh: T.Chi

Đổi mới sâu sắc, toàn diện hoạt động lập pháp

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ Khóa III đến Khóa VI (ủy viên dự khuyết từ năm 1960, và ủy viên chính thức từ năm 1972 đến 1991); Bí thư Trung ương Đảng Khóa IV và V (1976 - 1986); Đại biểu Quốc hội Khóa VIII và IX. Ngày 17.6.1987, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa VIII, ông được bầu giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào đổi mới sâu sắc, toàn diện hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật XHCN, góp phần bảo đảm nền dân chủ XHCN của đất nước.

Trong tham luận trình bày tại hội thảo, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, từ thực tiễn hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội và qua hoạt động của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo khẳng định, dân chủ XHCN được thực hiện thông qua hai hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Hai hình thức này không thể tách rời nhau. Có những vấn đề cần được giải quyết bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, đặc biệt là những vấn đề ở cơ sở, gắn bó trực tiếp với quyền, lợi ích của Nhân dân, phải bảo đảm quyền làm chủ thực sự của Nhân dân qua quyền làm chủ trực tiếp ở cơ sở.

Về dân chủ đại diện, ông cho rằng, điều quan trọng trước hết là phải coi trọng và phát huy được vai trò của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo nhấn mạnh, Quốc hội, kể từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh lập ra, đã có vị trí rất quan trọng, là cơ quan thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Nhưng để dân chủ đại diện phát huy được vai trò thì trước khi quyết định, Quốc hội phải lắng nghe được các ý kiến của Nhân dân. Nguyên Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Vì vậy, để bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân lao động, thực hiện rộng rãi và đầy đủ nền dân chủ XHCN thì phải xúc tiến hoàn chỉnh hệ thống pháp luật XHCN, để Nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật và theo pháp luật trên tất cả các lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Quốc hội Khóa VIII đã ban hành 2 bộ luật, 29 đạo luật và Hội đồng Nhà nước ban hành 39 pháp lệnh, tập trung ban hành nhiều luật và pháp lệnh quan trọng về kinh tế nhằm phục vụ việc chuyển sang nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, góp phần phát huy mọi tiềm năng của đất nước. Quốc hội và Hội đồng Nhà nước trong Khóa VIII cũng đã ban hành nhiều luật và pháp lệnh nhằm đổi mới hoạt động trong lĩnh vực chính trị, góp phần bảo vệ quyền tự do dân chủ của Nhân dân, tạo sự chuyển biến rõ nét ở các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân các tỉnh và thành phố, làm cho hoạt động của Hội đồng Nhân dân thiết thực hơn, nhất là trong công tác giám sát. Quốc hội đã chú ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều bộ luật, luật trong lĩnh vực tư pháp, quốc phòng - an ninh nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, lập lại trật tự, kỷ cương, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội.

Tấm gương người cộng sản mẫu mực

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chủ trì hội thảo khoa học
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chủ trì hội thảo khoa học
Ảnh: T.Chi

Một dấu ấn đậm nét của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa VIII là việc soạn thảo và thông qua Hiến pháp năm 1992. Để tạo nên sự đồng bộ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, việc thay đổi hệ thống chính trị phải gắn liền với cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo khi ấy đã chỉ đạo Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Hiến pháp sau khi soạn thảo đã lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân trong cả nước trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, sôi nổi, thể hiện ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp 1992 là sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Trong đó, theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, thì sự thay đổi quan trọng nhất chính là xác định rõ về chế độ kinh tế: Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.

Để tăng cường pháp chế XHCN, Hiến pháp nhấn mạnh đến vai trò của Quốc hội. Quốc hội chỉ có Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ không có Hội đồng nhà nước. Quốc hội đề cao vai trò của đại biểu Quốc hội, trong đó có một bộ phận là đại biểu Quốc hội chuyên trách, để phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Hiến pháp năm 1992 đã “khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, xác định thành quả bước đầu của công cuộc đổi mới, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân bảo đảm quyền tự do dân chủ và công bằng xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững trật tự kỷ cương, bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, cho mọi người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và có điều kiện phát triển toàn diện”.

Cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Khẳng định điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã nêu gương sáng về đạo đức cách mạng, thực hiện lời nói đi đôi với việc làm, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Tham gia công tác, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, địa bàn khác nhau, dù ở cương vị nào, nguyên Chủ tịch Quốc hội cũng nỗ lực hết sức với tinh thần tự giác, tận tụy, nêu cao trách nhiệm và hoàn thành với kết quả tốt nhất. Đúng như sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước ta: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo là "nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta”, là “tấm gương người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Nhật An