Nhiều địa phương quyết nghị các chính sách đặc thù

- Thứ Sáu, 14/01/2022, 06:26 - Chia sẻ
Với tinh thần trách nhiệm và để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, những vấn đề cấp thiết về phòng chống dịch Covid-19, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội được đưa lên bàn nghị sự kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 của HĐND các địa phương. Đặc biệt lần này, HĐND nhiều nơi đã bàn thảo và quyết nghị các nghị quyết đặc thù nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

TRẦN ĐÌNH HUỀ - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII - ẢNH HỒNG MẾN
Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII  
Ảnh: Hồng Mến

Thực hiện được “mục tiêu kép”

Để thực hiện chủ trương phòng chống dịch bệnh, công tác chuẩn bị kỳ họp được tiến hành chu đáo, các báo cáo được chuẩn bị ngắn gọn, khách mời cũng được tính toán hạn chế. Trước đó, các Ban của HĐND đã khảo sát, giám sát những vấn đề cốt yếu, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra chặt chẽ, chất lượng. Việc tổ chức kỳ họp khoa học, sáng tạo; bố trí chương trình, thời gian hợp lý, ưu tiên phiên họp thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.

Các báo cáo tại kỳ họp đều nổi lên công tác phòng chống dịch Covid-19 được tiến hành quyết liệt với tinh thần trách nhiệm và đồng hành, đã khống chế được dịch bệnh và dần thích ứng an toàn, linh hoạt. Qua các báo cáo cũng cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đã ổn định và phát triển, giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế. GRDP nhiều địa phương tăng 6 - 9%, có những nơi tăng đến hai con số. Thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư phát triển. Lĩnh vực văn hóa - xã hội ổn định và phát triển, đời sống của nhân dân, an sinh xã hội được bảo đảm.

Những vấn đề cấp thiết được đưa lên nghị trường

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, đại biểu HĐND cũng thẳng thắn nêu lên: Một số chỉ tiêu đề ra chưa đạt được, trong đó có sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Có nơi còn bị động, lúng túng khi dịch bệnh mới bùng phát mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm cho đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, công tác cải cách hành chính còn trì trệ. Tuyến y tế cơ sở gặp khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ; việc học sinh trở lại trường vẫn lúng túng, chất lượng dạy và học còn bất cập, phụ huynh học sinh đang rất lo ngại.

Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, nhiều địa phương, các đại biểu HĐND tích cực, trách nhiệm chất vấn trực tiếp. Nhiều vấn đề “nóng” được nêu lên: Nổi bật nhiều nơi về quản lý, sử dụng đất đai, các dự án thương mại chiếm giữ rất nhiều đất nhưng chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực; công tác quy hoạch xây dựng còn bất cập, chồng chéo nên gây ngập lụt trong mùa mưa bão; tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động ở nhiều nơi, nhất là các dòng sông nhỏ, kênh, mương và những vùng khai thác khoáng sản; bức bách vấn đề lao động trở về từ vùng dịch cần việc làm và có thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Trong lúc đó, ở vùng dịch khi trở lại sản xuất thì thiếu lao động cũng đặt ra vấn đề cấp thiết...

Các Trưởng ngành trả lời chất vấn có vẻ “thuộc bài”. Nhưng những câu hỏi trực tiếp thì có phần lúng túng; điều kiện để đại biểu dân cử, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách “truy vấn” đến cùng, buộc các ngành có những lời hứa xác đáng. Cuối phiên họp, Chủ tịch UBND phát biểu, trả lời những vấn đề các ngành trả lời chưa đầy đủ và câu hỏi trực tiếp của đại biểu HĐND. Nhưng nhìn chung, đại biểu của dân vẫn ngại chất vấn Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND! Điều đáng tiếc hơn, một vài nơi Chủ tọa kết luận phiên họp hơi dài, chưa tập trung được vấn đề cần thiết. Và HĐND ít địa phương ban hành được nghị quyết về phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn như Quốc hội

Quyết sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Trước tình hình mới, kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 của HĐND đã xem xét, thảo luận và quyết nghị nhiều chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống người dân. Trước hết, trong nghị quyết chung đã thể hiện: Quan tâm xây dựng quy hoạch chung dài hạn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; điều chỉnh chủ trương đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực; đẩy nhanh các dự án trọng điểm tạo động lực. Ổn định sản xuất công nghiệp, chú trọng nông nghiệp, tạo nhiều sản phẩm có lợi thế, sản phẩm OCOP có giá trị cao; phát triển du lịch, dịch vụ trong tình hình mới. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm các điều kiện để học sinh trở lại trường; thực thi nghiêm minh pháp luật và nghị quyết của HĐND.

HĐND không những ban hành những nghị quyết thường xuyên, chuyên đề, mà quyết nghị các nghị quyết đặc thù theo tình hình thực tế của địa phương. Nhiều nơi, HĐND ban hành Nghị quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp, trợ cấp người lao động, nhất là lao động trở về từ vùng dịch; hỗ trợ đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nghề tại chỗ. Thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ các trường ngoài công lập. Quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp. Nhiều địa phương tiếp tục hỗ trợ cho những hộ mới thoát nghèo, trợ cấp cho trẻ mồ côi do dịch bệnh. Có nơi ban hành chế độ hỗ trợ cho sinh viên y dược; chính sách thu hút đội ngũ y, bác sĩ về làm việc tại địa phương...

Kỳ họp thường lệ cuối năm đầu của nhiệm kỳ khép lại. Những nghị quyết được HĐND xem xét, quyết nghị rất sát với tình hình thực tế, đúng chủ trương, pháp luật, đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Quan trọng hơn, lần này HĐND các địa phương ban hành nhiều nghị quyết đặc thù nhằm thích ứng, an toàn, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.