Thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hải Dương Khóa XVI

Nhiều giải pháp căn cơ cho phát triển bền vững

- Thứ Tư, 30/12/2020, 00:00 - Chia sẻ
Thảo luận tổ tại kỳ họp, hầu hết đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực, toàn diện tỉnh đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp căn cơ cho sự phát triển bền vững. Trong đó, tiếp tục đổi mới thu hút đầu tư; cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả xử lý rác thải, bảo vệ môi trường...

Cần giải pháp xử lý rác thải

Những năm gần đây, vấn đề rác thải sinh hoạt đã được tỉnh Hải Dương quan tâm xử lý. UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 201 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực nông thôn; hỗ trợ kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đối với một số xã thuộc 4 huyện: Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng và Bình Giang với khối lượng đạt khoảng 55 tấn/ngày đêm. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn đã đạt khoảng 85,62%. Hầu hết các xã đều đã có bãi chôn lấp rác thải và các tổ, đội thu gom rác thải.

	Đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên thảo luận tổ Ảnh: Thanh Bình
Đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Ảnh: Thanh Bình

Tuy nhiên, theo các đại biểu, một số địa phương trên địa bàn vẫn đang lúng túng trong công tác xử lý khi lượng rác thải ngày càng lớn, dẫn tới quá tải. Đại biểu Lê Quang Thụ cho biết: Rác chủ yếu vẫn đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp gây lãng phí đất, ô nhiễm môi trường. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng địa phương này mang rác sang địa phương khác chôn lấp, bị người dân phản ứng và phải mang về. Theo đại biểu, muốn xử lý dứt điểm, mỗi huyện cần xây dựng một nhà máy xử lý có quy mô đủ lớn, với công nghệ tiên tiến hơn. UBND tỉnh cần xây dựng cơ chế đặc thù cho phép các huyện chủ động quy hoạch, mời gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tại chỗ.

Bên cạnh đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý, vấn đề bảo đảm chế độ hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia thu gom, xử lý rác thải cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 955 tổ thu gom rác thải với 2.343 thành viên. Tuy nhiên, hiện chỉ có 733 người trong số này có thẻ bảo hiểm y tế; số còn lại đều là những người có thu nhập thấp, bấp bênh, không đủ khả năng tài chính để tham gia mua bảo hiểm y tế hộ gia đình. Để kịp thời hỗ trợ, HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người thu gom rác trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 1.1.2020 đến hết năm 2025, người thu gom rác tại các tổ thu gom rác thải ở các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ 70% chi phí tham gia bảo hiểm y tế.

Nhấn mạnh, đây là chủ trương thiết thực và ý nghĩa song các đại biểu mong muốn tỉnh triển khai hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm y tế cho những người tham gia thu gom rác tại nông thôn; đồng thời, bổ sung trang, thiết bị bảo hộ để bảo đảm an toàn lao động và sức khỏe. Về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn trong việc thu gom, xử lý rác thải; kiểm soát chặt các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường đối với khu vực sản xuất kinh doanh; tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nguồn nước; kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm về bảo vệ môi trường; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào nói không với rác thải nhựa…

Đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng trước các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng. Thống kế cho thấy, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu ngân sách. Khép lại năm 2020, Hải Dương không đạt dự toán thu theo kế hoạch đề ra (ước đạt 16.221,6 tỷ đồng, bằng 89,6% dự toán).

Trong đó, các khoản thu thường xuyên tại 3 khu vực doanh nghiệp đều có số thu thấp hơn nhiều so với dự toán năm. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 74%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 69%; doanh nghiệp kinh tế ngoài quốc doanh đạt 76%. Đặc biệt, dù có thêm 1.702 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm (tăng 0,5% so với năm 2019), song nhiều doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng cũng là vấn đề hết sức đáng lo.

Đại biểu Trịnh Văn Thiện cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp rất cần có cơ chế hỗ trợ. Trong đó, cơ chế hỗ trợ về đất đai, pháp lý hoặc thậm chí bằng vốn trực tiếp rất quan trọng. Tỉnh cần tập trung hoàn thiện hoạt động của mô hình chính quyền điện tử; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi… Đồng thời, tập trung rà soát, đôn đốc và có các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi các hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp…

Cùng với đó, tỉnh cần có các cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực của địa phương... Theo đại biểu Nguyễn Gia Bảng, để có nhiều hơn doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, tiêu thụ nông sản, cần tạo cơ chế hỗ trợ tiếp cận các chính sách ưu đãi liên quan tín dụng. Ngoài ra, giữa các sở, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt để nắm bắt thường xuyên, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, HTX... đồng hành với ngành nông nghiệp địa phương.

Thanh Bình