Nhiều giải pháp có tầm nhìn trung hạn

- Thứ Ba, 09/11/2021, 06:30 - Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, trong ngày đầu tiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sát với tình hình thực tiễn của đất nước đồng thời nêu ra nhiều nhóm giải pháp có tầm nhìn trung hạn.

TS. LÊ DUY BÌNH, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam

Quan tâm hơn tới chất lượng tăng trưởng

Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sát với tình hình thực tiễn hiện nay, đặc biệt là những vấn đề cử tri rất quan tâm; đồng thời nêu được các nhóm giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động... Những giải pháp không chỉ đưa ra định hướng cho quý cuối năm, cho năm tới mà còn có tầm nhìn trung hạn.

Tôi hy vọng trong thời gian còn lại của phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận sâu hơn, kỹ hơn nữa về việc các giải pháp cần được thực hiện như thế nào, dự báo kết quả ra sao, hiệu quả tới đâu?

Bên cạnh đó, các đại biểu cần quan tâm hơn nữa tới chất lượng tăng trưởng. Mục tiêu quan trọng nhất là chúng ta phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực về vốn, con người, cơ hội kinh doanh, tài nguyên... để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần tăng trưởng nhưng đó phải là sự tăng trưởng bền vững, tăng trưởng nhưng không gây ra bất ổn về kinh tế vĩ mô, không phải trả giá bằng nguồn vay nợ quá lớn, đầu tư quá lớn.

TS. TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Ưu tiên cho ổn định vĩ mô và tạo việc làm

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới câu chuyện ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết việc làm cho người lao động. Tôi rất tán thành! Theo tôi, muốn phát triển nhanh phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tạo việc làm cho người lao động lên trên mục tiêu tăng trưởng. Bởi vì đại dịch Covid-19 tác động đến khoảng 30 triệu người lao động, trong đó 3 triệu người chịu tác động rất mạnh, và điều này liên quan đến các vấn đề xã hội, an ninh trật tự...

Các giải pháp phục hồi kinh tế cũng được các đại biểu Quốc hội nêu ra và thảo luận. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các chính sách đáp ứng được những khó khăn cấp bách của doanh nghiệp và người lao động hiện nay; trong đó phải đặc biệt quan tâm các chính sách giúp hạ lãi suất cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần triển khai thật mạnh mẽ Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19.

Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế đang trong quá trình hoàn thiện, chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền, trước khi trình Quốc hội. Tôi cho rằng, gói hỗ trợ này phải có liều lượng đủ mạnh. Nếu chúng ta làm không nhanh, không mạnh tay thì sẽ giảm ý nghĩa và không tạo đà cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vì họ đang rất đuối sức.

TS. VŨ MINH TIẾN, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn

Chú ý tới nhóm lao động yếu thế

Câu chuyện nhà ở xã hội khá nóng trên diễn đàn Quốc hội ngày hôm qua. Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội; đề nghị Chính phủ tập trung chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân và những người lao động ở các khu nhập cư...

Thời gian qua, có khoảng 10% lao động đã rời khu công nghiệp, rời đô thị trở về quê. Vấn đề của người lao động di cư là mong muốn có được nhà ở về lâu dài và bảo đảm cho họ sinh kế. Đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân của Bộ Xây dựng mới đây là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tôi cho rằng, với người thu nhập thấp họ rất khó khăn để mua được nhà ở xã hội 300 - 400 triệu đồng, chưa kể còn rất nhiều vướng mắc về quy trình thủ tục, mặt bằng, quy hoạch... Thiết kế nhà ở cũng phải phù hợp với điều kiện sinh hoạt làm việc ca kíp, văn hóa vùng miền nếu không sẽ không thu hút được họ.

Do đó, nếu không tính toán cẩn thận, đối tượng cần nhà ở nhất lại không tiếp cận được nhà ở xã hội. Hơn nữa, nhiều công nhân có tâm lý không làm lâu dài ở khu vực nào đó nên họ không có nhu cầu mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Vì vậy, theo tôi, nên ưu tiên phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng các khu ký túc xá phù hợp với đặc điểm của công nhân từng doanh nghiệp; phối hợp với doanh nghiệp để họ trợ giá cho công nhân mình.

Đối với các gói an sinh xã hội, tôi mong muốn những chính sách sắp tới chú trọng hơn tới tính đặc thù của nhóm lao động yếu thế thay vì cào bằng như trước, chẳng hạn như lao động di cư, phụ nữ nuôi con nhỏ, các gia đình có người ốm đau...

Ông NGUYỄN CÔNG HOAN, Trưởng ban Truyền thông, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam

Cần gói hỗ trợ lớn và dài hơi hơn

Như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trên hội trường ngày hôm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhưng những chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn và chưa đủ dài hơi cho quá trình khôi phục nền kinh tế.

Ngành du lịch gần như bất động gần 2 năm nay, các doanh nghiệp không có doanh thu nhưng để được hưởng lãi suất ưu đãi, một số ngân hàng yêu cầu khá nhiều thủ tục, từ xác nhận của cơ quan thuế, đến các cơ quan quản lý, bản sao kê của doanh nghiệp… khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Do vậy, Quốc hội và Chính phủ cần xây dựng các chính sách dài hơi và hiệu quả hơn. Đặc biệt, những gói hỗ trợ phải được thiết kế sao cho doanh nghiệp dễ tiếp cận, đặc biệt là chính sách giãn nợ, khoanh nợ và giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh

An Thiện