Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Khóa VI

Khơi thông “điểm nghẽn” đầu tư công

- Chủ Nhật, 27/12/2020, 09:45 - Chia sẻ
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục, khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công quá chậm là 2 vấn đề trọng tâm được đại biểu tập trung bàn thảo, yêu cầu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ tại kỳ họp. Đại diện ngành chức năng đã giải trình, đề xuất nhiều giải pháp khắc phục. Trong đó, với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, HĐND tỉnh đề nghị tỉnh, sở, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể sau khi kế hoạch đầu tư công năm 2021 được HĐND tỉnh thông qua. Trong đó, ưu tiên đối với các dự án có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội làm trọng tâm, không chọn các dự án dễ làm, khó bỏ.

 Bảo đảm các trường tiểu học có đủ thiết bị dạy học lớp 1

Thảo luận tại kỳ họp, lý giải nguyên nhân việc xét tuyển viên chức ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thị Ngọc Châu cho rằng do công tác phê duyệt kế hoạch và tuyển dụng của các địa phương còn chậm, không hoàn thành đúng kế hoạch do UBND tỉnh đề ra. Cùng với đó là vấn đề thiếu nguồn tuyển đủ chuẩn do việc lập kế hoạch xét tuyển còn cứng nhắc, quy định mới về chuẩn giáo viên 3 cấp theo quy định của Luật Giáo dục mới được nâng lên. Bà Châu đề nghị tỉnh cho phép trong năm học 2020 - 2021, các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng giáo viên thỉnh giảng theo chuẩn cũ, bởi hiện nay những hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ thiếu sự đồng nhất, còn mâu thuẫn với Luật Giáo dục năm 2019.

Các đại biểu tham dự kỳ họp Ảnh Mạnh Đức
Các đại biểu tham dự kỳ họp
Ảnh Mạnh Đức

Giải trình về tình trạng mua sắm thiết bị cho lớp 1 chậm trễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm là người đứng đầu ngành nhưng chưa làm tròn trách nhiệm với học sinh; đồng thời phân tích: Chậm trễ này xuất phát từ sự chồng chéo trong quy định, dẫn tới Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính chưa thống nhất trong lập danh mục về tiêu chuẩn định mức thiết bị giáo dục chuyên dùng. Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính sẽ phối hợp tháo gỡ nhanh các vướng mắc trong quy trình mua sắm, bảo đảm học kỳ II năm học 2020 - 2021, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh có đủ thiết bị dạy học lớp 1. Ngành cũng sẽ rút kinh nghiệm cho việc mua sắm trang thiết bị cho các năm tiếp theo phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa theo lộ trình.

Tìm giải pháp khơi thông “điểm nghẽn” đầu tư công

Cùng với tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục, kỳ họp đã tập trung mổ xẻ những yếu kém, đồng thời đề xuất các giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng giải ngân đầu tư công quá chậm, làm tắc nghẽn dòng vốn. Theo thống kê, đến cuối tháng 6.2020, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 22,56% tổng kế hoạch vốn năm 2020, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2019 (29,5%) và tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (33,9%). Đến ngày 30.11, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 58%. Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Công Vinh, nguyên nhân một phần do giãn cách xã hội, một số dự án phải dừng thi công, một số dự án gặp vướng mắc.

Trong số các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, thành phố Vũng Tàu có tỷ lệ mới chỉ đạt 55%. Giải trình về thực trạng này, quyền Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Vũ Thảnh cho biết, do công tác giải phóng mặt bằng quá khó khăn, thiếu quỹ đất tái định cư; đồng thời đề xuất 10 giải pháp cải thiện tình hình. Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận đề nghị đi thẳng vào các vấn đề khó khăn nhất. Quyền Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hội thảo, nghiên cứu chính sách để áp dụng mức bồi thường sát với thị trường. Đối với các công trình nhà ở xã hội, thành phố kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án. Về việc bố trí đất tái định cư, thành phố đang tích cực rà soát các khu đất để có phương án phù hợp.

Liên quan đến trách nhiệm của các sở, ngành trong việc để xảy ra tình trạng thu hồi đất GPMB kéo dài, gây khó khăn cho cuộc sống người dân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Công Vinh cho rằng: Công tác quản lý các khu đất quy hoạch thời gian qua chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng người dân xây dựng nhà ở trong khu quy hoạch, gây ra những khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và phát sinh những khiếu kiện kéo dài. Việc ra quyết định bồi thường, bố trí tái định cư quá chậm so với bảng giá đất đã được UBND tỉnh ban hành nên không còn phù hợp, buộc phải khảo sát lại về giá đất, khiến một số dự án phải điều chỉnh.

Góp ý kiến để giải quyết ách tắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng, đại biểu Nguyễn Văn Trình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Cần mạnh dạn chọn đất tốt bố trí tái định cư cho người dân thì người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận hoàn toàn đồng tình với giải pháp này và viện dẫn thực tế: Thành phố Vũng Tàu khi thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Tri Phương đã mạnh dạn bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi ở những vị trí tương xứng nên đã được nhân dân đồng thuận cao.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh nghịch lý: Trước đây luôn là công trình chờ vốn, nay thì vốn chờ công trình. HĐND tỉnh đề nghị tỉnh, sở, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể sau khi kế hoạch đầu tư công năm 2021 được HĐND tỉnh thông qua về: Tiến độ giải ngân từng công trình, rà soát trách nhiệm của chủ đầu tư, dự án có phù hợp với khả năng thực hiện nguồn vốn… Trong đó, ưu tiên đối với các dự án có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội làm trọng tâm, không chọn các dự án dễ làm, khó bỏ - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Giải trình thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu do tiến độ triển khai các dự án, do quy hoạch, do chính sách đất đai, chính sách tái định cư và giải phóng mặt bằng. Đồng thời cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát tất cả quy hoạch, kiên quyết không để quy hoạch “treo”. Đối với chính sách tái định cư, phải bảo đảm người dân khi di dời đến chỗ ở mới phải tốt hơn, về lâu dài không thực hiện các dự án tái định cư nhỏ lẻ mà quy hoạch những khu tái định cư có quy mô lớn 50 - 70ha, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội cho người dân.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua 41 nghị quyết quan trọng, trong đó có các nghị quyết chuyên đề như: Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn huyện Côn Đảo; Sắp xếp, sáp nhập các thôn, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ thôi việc do dôi dư sau khi sắp xếp, sáp nhập; Quy định chế độ hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách, lực lượng công an, quân sự ở cấp xã và mức khoán kinh phí hoạt động ở thôn, ấp, khu phố; Quy định chế độ hỗ trợ, mức đóng góp đối với người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và tại gia đình, cộng đồng…

 

TÂM LÊ