Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

Nhiều kết quả nổi bật

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 05:58 - Chia sẻ
Theo Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn, trong 6 năm tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2014, vẫn còn có không ít các bất cập, vướng mắc. Trên cơ sở tổng kết, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật cho phù hợp, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia cũng như cân đối thu - chi Quỹ BHYT.
Ngành bảo hiểm xã hội chú trọng tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế
Nguồn: ITN

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%

Kể từ khi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 có hiệu lực thi hành, số người tham gia BHYT đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, so với năm 2015, số người tham gia BHYT năm 2016 tăng nhiều nhất tới 11%; giai đoạn 2018 - 2020 duy trì mức tăng xấp xỉ 3% mỗi năm.

Tính đến ngày 31.12.2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so với năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,85% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu BHYT của Thủ tướng Chính phủ giao; về đích trước thời hạn 4 năm theo mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1.6.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI. Đây là tiền đề để cả nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT; đến năm 2030 tỷ lệ tham gia BHYT là trên 95% như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 20/2017-NQ/TW.

Bên cạnh đó, quy định về việc các cơ sở khám, chữa bệnh không phân biệt công hay tư nếu đủ điều kiện đều được ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; tổ chức khám, chữa bệnh BHYT ban đầu được ưu tiên thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã; cũng góp phần phát triển mạng lưới cơ sở y tế tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Theo đó, số cơ sở ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT duy trì trong 5 năm tăng từ 2.000 lên đến 2.400 cơ sở và hơn 10.000 trạm y tế xã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT thông qua bệnh viện huyện/trung tâm y tế huyện. Số cơ sở tư nhân tham gia khám, chữa bệnh BHYT cũng ngày càng gia tăng, gấp gần 4 lần so với năm 2010.

Người tham gia BHYT có thể lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, tuyến xã phù hợp với nơi cư trú hoặc nơi làm việc, các quy định về khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến nhưng được hưởng quyền lợi như đúng tuyến. Ngoài ra, việc cải cách thủ tục hành chính, sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh trên ứng dụng VssID - BHXH số… cũng tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ của người có thẻ BHYT.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, số chi khám, chữa bệnh BHYT thường xuyên cao hơn Quỹ khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng trong năm, tỷ lệ sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT trong năm của năm 2016 là 112%, của năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%.

Bảo đảm an sinh từ Quỹ bảo hiểm y tế

Theo BHXH Việt Nam, kết quả thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung những năm qua đã tiếp tục khẳng định rõ nét, cùng với ngân sách nhà nước, quỹ BHYT là nguồn tài chính công đóng góp đáng kể cho công tác khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. 

Cụ thể, trong 5 năm kể từ khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, Quỹ BHYT đã chi trả trên 130 nghìn tỷ cho các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, phẫu thuật thủ thuật, phục hồi chức năng, y học cổ truyền; chi hơn 151 nghìn tỷ tiền thuốc và gần 25 nghìn tỷ cho các loại vật tư y tế tính ngoài giá dịch vụ từ dây truyền, bơm kim tiêm đến các vật tư y tế hiện đại như giá đỡ động mạch vành (stent), van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim… Chi phí chi cho nhóm dịch vụ kỹ thuật của năm 2019 tăng 1,8 lần; của nhóm thuốc tăng 1,4 lần và của nhóm vật tư y tế tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Trong giai đoạn 2015 - 2019 đã có hơn 809 triệu lượt khám, chữa bệnh được Quỹ BHYT thanh toán; tần suất khám, chữa bệnh bình quân duy trì ở mức 1,9 - 2,1 lần/người/năm.

Theo các chuyên gia, việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh hàng năm, một phần do nhu cầu từ việc khám, chữa bệnh của người tham gia tăng; mức đóng BHYT thấp, nhiều năm chưa điều chỉnh; quyền lợi BHYT được mở rộng theo các quy định được điều chỉnh của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Cùng với đó là việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT mới, có kết cấu thêm tiền phụ cấp y tế đặc thù, tiền lương cũng như thực hiện phương thức thanh toán theo phí dịch vụ...

Quốc Túy