Nhiều kỳ vọng phục hồi kinh tế

- Thứ Tư, 05/01/2022, 06:27 - Chia sẻ
Tại Tọa đàm “Nhìn lại năm 2021 - Những chuyển hướng chiến lược” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4.1, các đại biểu cho rằng sự chuyển hướng linh hoạt, kịp thời trong năm 2021 sẽ là cơ sở để tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Chuyển hướng đúng lúc, kịp thời

Theo các đại biểu, năm 2021 ghi nhận nhiều quyết sách chuyển hướng chiến lược của Chính phủ trong phòng, chống dịch như: chiến lược vaccine; lấy xã phường làm pháo đài chống dịch; điều động lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam; nổi bật nhất là Nghị quyết 128/NQ-CP từ “không Covid-19” sang "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh…

Toàn cảnh Tọa đàm
Nguồn: VGP

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hướng chiến lược từ "không Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch là phù hợp với tình hình phòng, chống dịch của nước ta. Điều này đang mang lại hiệu quả cho mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với dịch bệnh truyền nhiễm do virus như Covid-19, biện pháp phòng, chống hiệu quả là tiêm vaccine. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cho người trưởng thành trở lên đạt trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%, độ bao phủ vaccine đã bảo đảm được miễn dịch cộng đồng. 

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, thời điểm quyết định sống chung với dịch là khi đã có đủ nguồn vaccine, có đủ điều kiện về dịch tễ để tự tin bước vào giai đoạn bình thường mới vừa sản xuất, vừa chống dịch, vừa bảo đảm sức khỏe của người dân. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch. Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi đã có tỷ lệ phủ vaccine nhất định. Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỷ lệ phủ vaccine trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vaccine cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chúng ta chỉ cách ly diện hẹp. Chúng ta đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam.

Có cơ sở để kỳ vọng

Việc Chính phủ ban hành và triển khai kịp thời một loạt chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược đã góp phần quan trọng trong khống chế dịch, khôi phục sản xuất, từng bước tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Từ đầu tháng 10.2021, nền kinh tế đã từng bước mở cửa trở lại. GDP quý IV.2021 tăng 5,22% với nhiều điểm sáng. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có tới 81,7% rất lạc quan khi đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý I.2022 sẽ ổn định và tốt hơn quý IV.2021.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ Nghị quyết 128, diễn biến hồi phục kinh tế trong 3 quý cuối năm 2021 theo đúng hình chữ V, cho thấy sức bật rất khả quan.

Với tốc độ tiêm chủng và tiêm mũi nhắc lại hiện nay cùng việc thực hiện Nghị quyết 128, Thứ trưởng Bộ Y tế tin rằng Việt Nam sẽ thành công trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể, về kế hoạch tiêm năm 2022, Bộ Y tế đã triển khai tiêm  3 cho những đối tượng có nguy cơ như bị nhiễm HIV, suy thận, viêm gan B, xơ gan... Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi và báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ sẽ làm việc với nhà cung ứng để có đủ vaccine sớm nhất tiêm cho trẻ em. Về khả năng cung ứng vaccine, nhu cầu tiêm trong năm 2022 chủ yếu tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em cùng nguồn vaccine mà COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý I thì lượng vaccine tiêm cho người trưởng thành Việt Nam đã đủ.

Chung niềm lạc quan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, 2 năm qua chúng ta đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm và vẫn giữ được những nền tảng cơ bản, nền tảng tốt để phục hồi kinh tế nhanh, phát triển bền vững trong bối cảnh ổn định kinh tế-xã hội, khống chế được lạm phát. Năng lực nội tại của nền kinh tế vẫn còn duy trì được để quay lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022. Đây là cơ sở để tin rằng năm 2022 dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế sẽ phục hồi nhanh, hiệu quả.

Hạnh Nhung