Gần 2 tháng thực thi EVFTA

Nhiều lô hàng đã tới EU

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:59 - Chia sẻ
Bộ Công thương cho biết, trong tháng đầu thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi các nước EU. Nhiều lô hàng được thông quan và được hưởng ưu đãi tại thị trường EU.

Đã cấp hơn 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ

Tại hội thảo “EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết” ngày 24.9, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, EVFTA rất đặc biệt, vì có những nước trong EU chưa ký Hiệp định Thương mại tự do với nước ta. Các đối tác trong EU lại có trình độ công nghệ hàng đầu thế giới và cơ cấu kinh tế không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Thêm nữa, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sức mua lớn thứ 2 trên thế giới; đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều nhà đầu tư lớn nhất thế giới.

Sau gần 2 tháng EVFTA có hiệu lực đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trong thương mại, xuất khẩu hàng hóa. Một số doanh nghiệp đã được hưởng những lợi ích đầu tiên từ hiệp định này. Theo số liệu của Bộ Công thương, trong tháng đầu thực hiện EVFTA, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi các nước EU. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8 tăng 10% về kim ngạch so với tháng 7. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80 - 200 USD/tấn so với cuối tháng 7 và 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22.9.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá, đây là dấu hiệu tích cực và tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn rất khó khăn do dịch Covid-19 và hiệp định vẫn còn rất mới mẻ với đa số các doanh nghiệp. Về lâu dài, bà Trang cho rằng, để có thể hiện thực hóa những cơ hội lớn mà EVFTA hứa hẹn mang lại, doanh nghiệp cần hiểu biết chính xác, đầy đủ về cam kết EVFTA để chuẩn bị, tận dụng ưu đãi.

Nguồn: ITN

Nội lực khỏe mới mong sống sót

Qua kết quả thực hiện các hiệp định thương mại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng do không chuẩn bị đủ lực và cũng chưa chú trọng đến nội lực nên doanh nghiệp trong nước bị hụt hơi và hầu như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được hưởng lợi là chính. “Trước khi Việt Nam tham gia WTO, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng sau khi tham gia WTO con số này đã tăng lên 70%. Xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng nhưng mức độ thấp hơn rất nhiều” bà Lan nói.

Mặt khác, tình trạng nhập siêu tăng lên, trong đó nhập khẩu cho tiêu dùng nội địa rất lớn chứ không phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư cần thiết để nâng sức sản xuất của nền kinh tế. Ngoài ra, khi tham gia các hiệp định thương mại, sản xuất trong nước chịu nhiều sức ép từ hàng hóa bên ngoài, và sức ép này lại trở thành lợi thế của các quốc gia khác chứ không phải cho Việt Nam.

Tuy vậy, bà Lan tin tưởng EVFTA sẽ khác, bởi dịch Covid-19 đang hoành hành làm tất cả các nước ngổn ngang và đặt doanh nghiệp ở thế phải vươn lên, không thể không thay đổi. Hơn nữa, EVFTA đến vào lúc Việt Nam có khát vọng lớn để vượt lên và EVFTA sẽ giúp chúng ta thực hiện được khát vọng của mình. “Muốn vậy, chúng ta phải chuẩn bị về nội lực. Nội lực khỏe mới mong sống sót và thay đổi. Sân chơi EVFTA chính là cơ hội, là động lực mới và quý để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên”, bà Lan nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoài Thái, thực thi EVFTA không đơn thuần là chúng ta xuất khẩu được bao nhiêu tôm, gạo sang EU mà quan trọng là chúng ta kết nối được với một khu vực có hàm lượng công nghệ cao, có tri thức, làm ăn bài bản. Ngoài việc xuất khẩu, thì việc nhập khẩu cũng rất quan trọng.

Để nắm bắt cơ hội EVFTA mang lại, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam mong muốn Chính phủ tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, tạo sân chơi lành mạnh hơn cho doanh nghiệp. Mặc dù nhiều năm qua Chính phủ, các bộ, ngành nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp. Ví dụ, thủ tục đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu đòi hỏi nhiều giấy tờ, không được làm trực tuyến và phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Hiệp hội Mã số châu Âu khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian thực hiện. Nếu không có sẽ bị hải quan xử phạt. “Đáng nói là quy định này ngay cả các nước nhập khẩu cũng không yêu cầu. Tại sao tự ta làm khó ta vậy?”, ông Nam bức xúc.

Ngược lại, trong khi các nước châu Âu rất tiên tiến, sử dụng công nghệ hoàn toàn thì chúng ta vẫn còn thực hiện theo cách thủ công. Ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc cấp giấy chứng nhận C/O vẫn viết tay rất nhiều, chưa sử dụng điện tử hoàn toàn. Do đó, ông Tương kiến nghị Bộ Công thương và VCCI cải tiến cấp Giấy chứng nhận C/O trên nền tảng điện tử hoàn toàn và giảm bớt thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, VCCI nên trở thành trung tâm tư vấn pháp lý về EVFTA cho doanh nghiệp.

An Thiện