Nhiều nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng

- Thứ Sáu, 10/12/2021, 11:10 - Chia sẻ
Những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ xâm hại, trong khi đó các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 2017 của UBND TP. Hồ Chí Minh về “Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

22 vụ việc trẻ em bị xâm hại trong 6 tháng đầu năm 2021

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2021, TP. Hồ Chí Minh có 22 vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Tình hình bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua có chiều hướng tăng giảm không đồng đều, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em như: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô. Bên cạnh đó, cũng có các hình thức xâm hại khác: bắt cóc... Điều đáng nói là, tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ (từ 13 - dưới 16) và phần lớn là trẻ em gái.

Một bé gái là nạn nhân một vụ xâm hại tình dục (phải) đang tường thuật sự việc với cán bộ Lao động - thương binh và xã hội.

Nhìn chung, các vụ việc bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện cơ bản đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, “hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn. Công tác tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác xâm hại trẻ em còn lúng túng; thông tin, báo cáo từ cơ sở còn chậm so với thời gian quy định tại Quyết định 2017” - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận.

Trẻ em bị xâm hại trong thời gian dài nhưng ngại lên tiếng

Thực tế từ các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, không chỉ đơn thuần là những người có trình độ nhận thức hiểu biết pháp luật hạn chế.

Điều đáng nói là, phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình... Trong đó, một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài nhưng nạn nhân im lặng.

Nếu như trước đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, nhà trọ lưu trú của người dân lao động, thì gần đây địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em còn là các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.

Từ thực tế điều tra các vụ án xâm hại trẻ em, đại diện Công an quận 10, TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2021, riêng quận 10 ghi nhận xảy ra 2 vụ xâm hại tình dục trẻ em, nạn nhân trong cả 2 vụ đều là trẻ em mới 13 tuổi. Có một điểm chung của cả 2 vụ này là nạn nhân quen biết với đối tượng phạm tội qua mạng xã hội.

Nhận diện về tình hình tội phạm này, đại diện Công an quận 10 cho biết, trước môi trường mạng, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại như hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi hình và phát tán; tiếp xúc với nội dung bạo lực, nhạy cảm... hoặc gặp những hành vi ứng xử như bắt nạt trực tuyến, nhắn tin liên quan đến tình dục, thông tin cá nhân bị thu thập, quảng cáo các sản phẩm không phù hợp, nghiện internet hoặc game trực tuyến…

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết: có nhiều kênh thông tin tiếp nhận tin báo về vụ việc vi phạm quyền trẻ em như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111), Lực lượng phản ứng nhanh Công an TP. Hồ Chí Minh (113), Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố (1900545559), Hội bảo vệ quyền trẻ em (18009069).

“Những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ xâm hại, trong khi đó các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao” – đại diện Công an quận 10 nhận định.

TP. Hồ Chí Minh với đặc thù là địa phương có số người nhập cư đông, do đó rất dễ xảy ra những vấn đề xã hội, trong đó có tình trạng xâm hại trẻ em. Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng này, cần có những giải pháp nâng cao hiệu quả của Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức, kỹ năng để bảo vệ trẻ em trước sự xâm hại, trong đó, có xâm hại tình dục thông qua không gian mạng. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em.

Lê Hùng