Sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử

Nhiều quy định làm khó chủ sàn

- Thứ Sáu, 15/01/2021, 06:21 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử có nhiều quy định theo hướng siết chặt, làm khó doanh nghiệp và đi ngược với xu thế của thế giới. Đây là nhận xét của nhiều chuyên gia tại hội thảo góp ý vào dự thảo Nghị định này do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) phối hợp Bộ Công thương tổ chức sáng 14.1.

Nên tách trách nhiệm chủ sàn và người bán hàng

Bộ Công thương đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử theo hướng tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử, người bán hàng trên mạng để bảo vệ người tiêu dùng.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), dự thảo Nghị định có một số quy định theo tư duy "thắt chặt", gây khó cho doanh nghiệp trong việc vận hành sàn thương mại điện tử.

Toàn cảnh hội thảo
Ảnh: An Thiện

Sàn giao dịch điện tử và mạng xã hội có vai trò lớn, tạo ra sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Chính phủ cũng đang khuyến khích phát triển kinh tế số, coi đây là động lực phát triển của đất nước. Thúc đẩy thương mại điện tử cũng là xu thế của thế giới. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52 đi theo tư duy thắt chặt như vậy liệu có ngược với xu thế?”.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS

Ví dụ, dự thảo Nghị định yêu cầu chủ sàn thương mại điện tử phải liên đới chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn nhằm ngăn nạn hàng giả, hàng nhái nhưng điều này không khả thi. Ngay ở chợ truyền thống cũng không quy định được chủ chợ chịu trách nhiệm khi tiểu thương bán hàng giả, hàng nhái. Trong khi đó, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm hoàn toàn giải quyết được vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Đồng đề xuất nên khuyến khích các sàn giao dịch điện tử tự xây dựng chuẩn mực, tự công bố thông tin. Ví dụ, một hãng bán hàng trang sức khi lên sàn họ sẽ đăng ký độc quyền, khi xuất hiện người bán hàng khác vi phạm, họ sẽ báo với chủ sàn và chủ sàn có trách nhiệm khóa tài khoản đó lại sau khi đã xác minh. Đồng thời, cần nâng cao vai trò giám sát, đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Người tiêu dùng Việt Nam với các sàn.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho rằng, nên tách trách nhiệm chủ bán hàng và chủ sàn thương mại điện tử bởi người bán có thể dùng nhiều thủ thuật qua mặt chủ sàn để bán hàng và chủ sàn không thể kiểm soát hết.

Đặc biệt, ông Hà cho rằng, việc dự thảo Nghị định buộc sàn thương mại điện tử phải cung cấp công cụ để cơ quan quản lý tra cứu theo dõi hoạt động vừa can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, vừa làm khó chủ sàn. Ông Hà phân tích: yêu cầu này nhằm giúp cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý nhưng lại mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân tại Luật An toàn thông tin mạng và Bộ Luật Dân sự. Ngoài ra, các công cụ tra cứu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng lọt, lộ thông tin của doanh nghiệp hay dữ liệu cá nhân người dùng.

Ông Nguyễn Quang Đồng bổ sung, ngay cả trong Luật An ninh mạng, khi quy định về tiếp cận dữ liệu liên quan tới vấn đề an ninh, an toàn quốc gia, cơ quan soạn thảo cũng chỉ ghi: chỉ khi có dấu hiệu vi phạm tội phạm mới yêu cầu về mặt cung cấp thông tin và yêu cầu đó phải trải qua các trình tự thủ tục bắt buộc khác. “Như vậy, dự thảo Nghị định yêu cầu chủ sàn thương mại điện tử phải tạo riêng một công cụ để cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý là không hợp lý”, ông Đồng nhấn mạnh. Trong khi đó, Điều 36 của Nghị định 52 quy định “yêu cầu cung cấp thông tin khi có vi phạm”, ông Đồng đề xuất chỉ cần cụ thể hóa các thông tin sai phạm của người dân thay vì đòi hỏi thêm công cụ khác.

Nhiều rào cản, nhà đầu tư sẽ thoái vốn

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sen Đỏ, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử sendo.vn, cho biết, các sàn trong nước hiện phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp từ Singapore, Indonesia. Vì vậy, bất cứ rào cản chính sách nào cũng ảnh hưởng tới khả năng hút vốn đầu tư vào thương mại điện tử. "Có nhiều rào cản thì nhà đầu tư đã đầu tư vào rồi cũng thoái vốn". Cũng theo ông Dũng, một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào thương mại điện tử nhưng sau một thời gian không đầu tư nữa và các sàn hiện chủ yếu hút vốn từ nước ngoài. Vì thế, ông Dũng cho rằng quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thương mại điện tử trong nước phải là những doanh nghiệp có uy tín toàn cầu rất khó thành hiện thực, quy định này chỉ làm khó sàn thương mại điện tử trong nước.

Nhấn mạnh thị trường phải có cạnh tranh, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng không nên “siết quá” với nhà đầu tư nước ngoài. “Trong lĩnh vực công nghệ, càng đặt ra quy định khắt khe thì càng có lợi cho những sàn lớn, doanh nghiệp lớn, khiến khả năng cạnh tranh gia nhập thị trường của các doanh nghiệp đi sau sẽ càng khó”, ông nói.

An Thiện