Nhìn nhận lại vai trò của văn hóa

- Thứ Năm, 28/01/2021, 08:20 - Chia sẻ

Để cụ thể hóa những quan điểm mới về văn hóa tại dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, thực hiện sứ mệnh văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, trao đổi với báo chí bên lề ngày làm việc chính thức thứ hai của Đại hội lần thứ XIII, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, điều cần làm trước tiên là cả hệ thống phải nhìn nhận lại, nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước.

Kinh tế phải đi liền văn hóa

- Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì việc huy động mọi nguồn lực, trong đó văn hóa, con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hai nội dung này đã được thể hiện như thế nào trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII, thưa ông?

Ảnh: Quang Khánh

- Tại các bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhiều lần đề cập đến mục tiêu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong tình hình mới. Đây là một vấn đề được đưa ra bàn luận nhiều lần thời gian qua. Lần này, các dự thảo văn kiện trình Đại hội đặt ra nhiều điểm mới.
Thứ nhất, nền tảng văn hóa sẽ phát triển theo trình độ kinh tế tương ứng, con người và văn hóa nào sẽ đi theo trình độ kinh tế như vậy. Nói cách khác, khi văn hóa, con người đi lên sẽ kéo theo trình độ kinh tế mới. Đây là điểm chung giữa phát triển văn hóa và kinh tế.
Thứ hai, các dự thảo văn kiện đều nêu rõ yêu cầu phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người phải đi song song với phát triển kinh tế, vì đây là đòi hỏi trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, robot xuất hiện nhiều như hiện nay. Việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người cũng là điều kiện giúp chúng ta tồn tại trong nền công nghiệp 4.0.

- Thưa ông, Quốc hội có vai trò như thế nào trong thể chế hóa quan điểm bảo đảm phát triển kinh tế đi liền với văn hóa của Đảng?

- Có thể thấy, sau khi hoàn thành Đại hội lần thứ XIII, cả hệ thống quản lý Nhà nước, từ Quốc hội đến Chính phủ, cần rà soát, nhìn nhận lại sự tương ứng của hệ thống luật pháp hiện hành với các quan điểm mới trong văn kiện được thông qua tại Đại hội.

Các luật hiện hành đang điều chỉnh theo Hiến pháp năm 2013, với quan điểm quan trọng là tôn trọng quyền con người và quyền công dân. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn thêm một vế là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Vậy cần rà soát hệ thống luật pháp, chính sách cho phù hợp với quan điểm mới.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần thấy, dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này không chỉ đặt ra mục tiêu cho giai đoạn 5 năm mà đi theo chiều dài phát triển đất nước, khi đưa ra mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng) và đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam). Hệ thống chính sách, pháp luật cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung để có tầm nhìn tương thích với những mục tiêu dài hạn được đưa ra trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

- Vậy làm thế nào để văn hóa thực sự đúng với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, thưa ông?

- Thực hiện sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa là một vấn đề lớn, khó có thể nói trong một vài câu. Tuy nhiên, có thể thấy, điều cần làm trước tiên là cả hệ thống chúng ta phải nhìn nhận lại, đặc biệt là phải nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đứng bên cạnh kinh tế như thế nào. Điều này không chỉ cần cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, mà mỗi cá nhân cũng cần nhìn nhận lại, khi chúng ta còn mải lo việc khác, trong khi chưa thấy bản thân mình hay trong sinh hoạt gia đình bị một số lỗi.

Thứ hai, văn hóa là thượng tầng kiến trúc, là cái chung, không phải hoạt động đơn giản trong xã hội. Do vậy, cần quan tâm dành sự đầu tư thỏa đáng cho phát triển văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Thứ ba, cần quan tâm đến những con người làm văn hóa, quản lý văn hóa. Thậm chí, không chỉ những cá nhân trực tiếp làm việc trong lĩnh vực văn hóa, mỗi cá nhân trong xã hội đều phải được quan tâm.  

Đầu tư tốt hơn cho giáo dục

- Trong 7 năm qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương, giáo dục - đào tạo đã được đổi mới toàn diện. Vấn đề đổi mới giáo dục - đào tạo được thể hiện như thế nào trong các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng?

- Các dự thảo văn kiện trình Đại hội đã đánh giá mặt làm được và chưa làm được trong công tác giáo dục - đào tạo thời gian qua. Việc làm được trước tiên là đã đưa những quan điểm, khái niệm mới vào giáo dục, từ hoàn thiện quản trị hệ thống, giáo dục để phát triển năng lực, không chỉ dừng ở trang bị kiến thức, tự chủ đào tạo tại bậc đại học, giáo dục nghề nghiệp... Bên cạnh những khái niệm, nguyên tắc quản lý, điều hành nêu trên, các cơ quan chức năng đã ban hành khung trình độ 8 bậc để bảo đảm liên thông từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Việc thực hiện các quan điểm mới trong giáo dục - đào tạo đã đạt kết quả bước đầu. Song, tại dự thảo văn kiện trình Đại hội cũng nêu rõ “đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo trong thời gian qua chưa thực sự trở thành một động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội”. Câu chốt này trong dự thảo văn kiện đã đặt ra nhiều vấn đề cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo thời gian tới.

Để thực hiện được yêu cầu này, các dự thảo văn kiện trình Đại hội đã đặt vấn đề phải đột phá đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo, trong đó đặt ra những vấn đề như: Phải khẳng định cho được giáo dục - đào tạo không chỉ là chủ trương mà phải là hành động, là quốc sách của quốc gia; gắn giáo dục - đào tạo với khoa học, công nghệ và sáng tạo; đưa ra mục tiêu đào tạo được con người Việt Nam trong giai đoạn mới hội nhập toàn cầu, phát triển khoa học, công nghệ rất mạnh, góp phần thực hiện khát vọng rất lớn đưa nước ta vượt qua thu nhập trung bình thấp, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

- Nguồn nhân lực tiếp tục là một trong ba đột phá cho thực hiện kế hoạch giai đoạn 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới. Vậy, lần này có những bổ sung, điểm mới nào cần lưu ý trong quá trình triển khai của các cơ quan chức năng, thưa ông?

- Các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ “ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn”. Do vậy, tại các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này tiếp tục xác định thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng là ba đột phá chiến lược trong giai đoạn tới. Nhưng lần này, vấn đề giáo dục - đào tạo để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao được đặt ra nhiều hơn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đào tạo con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, các dự thảo văn kiện trình Đại hội cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, trong đó có đổi mới quản lý, quản trị, yêu cầu ban hành nhiều chính sách để đẩy giáo dục của chúng ta đi lên, ngành giáo dục đổi mới quản trị để bảo đảm chất lượng giảng dạy; đặt vấn đề tự chủ, trách nhiệm giải trình trở thành động lực cho phát triển giáo dục - đào tạo. Cuối cùng, dự thảo văn kiện trình Đại hội cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Nhà nước là tiếp tục đầu tư và đầu tư tốt hơn cho giáo dục - đào tạo.

- Xin cám ơn ông!

Thanh Hải ghi