Giáo dục linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh Covid-19

Nhìn nhận rõ thách thức, có chính sách phù hợp

- Thứ Năm, 04/11/2021, 06:17 - Chia sẻ
“Linh hoạt”, “thích ứng”, “thay đổi” là những từ khóa nổi bật mà ngành giáo dục đã đạt được trong ứng phó với Covid-19. Tuy nhiên, thời gian dịch bệnh kéo dài đã tạo ra những thách thức mà ngành giáo dục cần nhìn nhận rõ để có chính sách phù hợp, toàn diện hơn.

Duy trì tương tác giữa thầy và trò

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã chủ động ứng phó, thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”; từ đó hoàn thành mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa đảm bảo kế hoạch năm học". Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, hỗ trợ các trường dạy học trên internet, trên truyền hình; đồng thời phối hợp tốt với Bộ Y tế để có những quy định bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong trường học, nhất là khi học sinh đi học trở lại. Đến nay, dạy học trực tuyến đã trở thành hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò, không chỉ trên lớp mà ở tất cả thời điểm trong ngày.

“Việc mở cửa lại trường học đặt ra vô vàn thách thức, bao gồm bảo đảm an toàn và sức khỏe cho thầy và trò, việc bắt kịp chương trình giáo dục, việc hỗ trợ tài chính cho nhà trường, việc phát triển các sáng kiến để bảo đảm tất cả học sinh trở lại và không em nào bị bỏ lại phía sau. Trên hết là yêu cầu sau đại dịch không chỉ là nhà trường bình thường mới mà phải là nhà trường bình thường tốt hơn sau tất cả những bài học quý giá mà nhà trường đã học được trong đại dịch”.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD - ĐT

Ông Bùi Đắc Tú, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết, ở thời điểm năm 2020, giáo viên và học sinh lúng túng khi buộc phải chuyển từ cách học truyền thống sang cách học trực tuyến. Khi đó, nhiều nhà trường, nhiều giáo viên đã phải thay đổi về quy chế trường học và quy chế học trực tuyến, gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Qua theo dõi, tại Hà Nội, giáo viên và học sinh đã dần thích ứng với cách dạy và học trực tuyến. Đặc biệt, các nhà trường đã chủ động xây dựng thời khóa biểu, kế hoạch dạy học trực tuyến theo phân phối chương trình tương đối ổn định. Các thầy cô giáo cũng rất sáng tạo tìm hiểu các công nghệ, phần mềm hỗ trợ việc dạy học online.

Cùng chung nhận định, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, GS.TS. Lê Anh Vinh nhận thấy thay đổi từ sự chuẩn bị, thái độ học tập của học sinh đến sự sẵn sàng của các thầy cô. Các trường đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của các thầy cô giáo tăng nhanh chóng, việc cập nhật, sử dụng công nghệ nhanh, không gặp trở ngại…

“Phải nhìn nhận là chúng ta đã làm rất tốt” - GS.TS. Lê Anh Vinh nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các đối tác đã nỗ lực để tạo ra nguồn tài nguyên về học tập tốt nhất cho học sinh, để các nhà trường và thầy cô có thể sử dụng.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy việc học trực tuyến tạo ra nhiều thay đổi tích cực so với phương pháp học truyền thống, nhưng việc học trực tuyến kéo dài đang gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần cho cả học sinh và giáo viên. Theo Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) Nguyễn Văn Hòa, phần lớn học sinh tại Hà Nội vẫn chưa thể đến trường, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của học sinh. “Đối với lứa tuổi học trò, việc phải ở nhà lâu ngày không được đến trường sẽ gây bất ổn về sức khỏe tâm thần và cảm xúc. Mặc dù hậu quả không đong đếm được, nhưng nếu không được học tập, gặp gỡ và tương tác với bạn bè cùng trang lứa, với thầy cô, thì những tác động tiêu cực ấy sẽ vô cùng nặng nề. Do đó, ngành giáo dục cần có những nghiên cứu và giải pháp lâu dài cho vấn đề này”, ông Hòa đề nghị.

Việc mở cửa lại trường học cũng đặt ra vô vàn thách thức

Bên cạnh những vấn đề về tâm lý, việc dạy và học trực tuyến cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Nhà sáng lập BigSchool và VinaSchool TS. Lê Thống Nhất nhìn nhận, mặc dù đã có chương trình Sóng và máy tính cho em do Thủ tướng phát động nhưng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học trực tuyến vẫn chưa đồng bộ giữa các vùng miền, chưa đáp ứng toàn diện nhu cầu dạy và học. Nhiều giáo viên lúng túng trong việc lựa chọn nền tảng dạy và học trực tuyến, chất lượng dữ liệu chưa được chuẩn hóa…

Việc các nhà trường phải tạm dừng đóng cửa để phòng chống dịch bệnh cũng khiến khối trường tư thục gặp nhiều khó khăn. Hiệu trưởng Trường liên cấp Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang chỉ rõ, chỉ trong 2 đợt nghỉ dài hạn, nhiều trường dân lập và tư thục gặp khó về tài chính để duy trì đội ngũ, cơ sở vật chất. “Khó khăn thì nhiều nhưng các nhà trường đều nỗ lực, quyết tâm cao nhất để vượt qua, duy trì nền nếp và nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Khang lạc quan.

Minh Vân