Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Nhìn thẳng hạn chế, đề ra giải pháp khả thi thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19

- Thứ Hai, 08/11/2021, 05:11 - Chia sẻ
Trong đợt họp tập trung của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Y tế; lao động, thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo. Trước thềm phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội nêu rõ, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nên yêu cầu đặt ra với hoạt động chất vấn cũng đặc biệt. Cùng với việc xem xét trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành, Quốc hội sẽ cùng Chính phủ nhìn nhận rõ hơn các vấn đề đang đặt ra trong công tác quản lý, điều hành trên các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho Nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông):
Cần thực sự cầu thị, không né tránh

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, việc Quốc hội tiến hành chất vấn với 4 lĩnh vực đã xác định trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH trước tiên là để nhìn nhận lại công tác phòng, chống dịch thời gian qua có vấn đề gì còn hạn chế, khó khăn, vì mục đích trên hết và trước hết là bảo vệ lợi ích và sức khỏe của Nhân dân.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nên cũng đặt ra những yêu cầu đặc biệt. Bên cạnh việc xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, thì dưới góc độ là cơ quan lập pháp, Quốc hội sẽ nhìn nhận lại các vấn đề xem có gì cần điều chỉnh, bổ sung thuộc thẩm quyền của Quốc hội sẽ làm ngay, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, để Quốc hội có cơ sở thực hiện những điều chỉnh (nếu cần thiết) thì điều quan trọng là các bộ trưởng, trưởng ngành khi trả lời chất vấn cần thực sự cầu thị, không né tránh, chỉ rõ được khó khăn, vướng mắc.

Ví dụ liên quan đến chiến lược vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế cần nhìn nhận được trách nhiệm của mình như thế nào trong việc tham mưu cho Chính phủ, cho Quốc hội? Nếu có vấn đề gì cần điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì cần khẩn trương trình, bởi đây chính là yếu tố quan trọng để chúng ta bước vào thời kỳ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" dịch Covid-19.

Tôi tin tưởng, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đặc biệt lần này, Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung những "chỗ trống", tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn, thuận lợi hơn, mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho Nhân dân.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định):
Dám đối mặt với khuyết điểm, hạn chế, cùng đưa ra phương án, kế hoạch cụ thể

Diễn ra trong bối cảnh cả nước đang cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19, Phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phiên chất vấn không những để Quốc hội thực hiện vai trò, nhiệm vụ giám sát trực tiếp các hoạt động của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, mà quan trọng hơn, qua chất vấn sẽ cùng Chính phủ nhìn nhận rõ hơn các vấn đề đặt ra trong 4 lĩnh vực đã chọn nhằm có những giải pháp khắc phục kịp thời.  Đây cũng là những lĩnh vực được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm khi dịch Covid-19 đã và đang làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội đất nước, việc học hành của học sinh đang gặp nhiều khó khăn.

Tôi mong muốn, các đại biểu Quốc hội khi đưa ra các câu hỏi sẽ xác định đúng trọng tâm, trọng điểm thuộc các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn, từ đó có đánh giá, nhận định chính xác, xem mặt nào làm được, mặt nào chưa làm được, nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, từ đó, đưa ra đề xuất, giải pháp cụ thể. Đối với các bộ trưởng, trưởng ngành, tôi kỳ vọng các thành viên Chính phủ sẽ nhìn thẳng vào sự thật, trả lời trực diện vào các vấn đề đại biểu chất vấn, nhất là dám đối mặt với khuyết điểm, hạn chế của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách, để cùng Quốc hội thống nhất phương án, kế hoạch cụ thể trong thời gian sắp tới.

Trước yêu cầu của thực tiễn, mong đợi của cử tri và Nhân dân, tôi tin tưởng, Quốc hội sẽ luôn đồng hành với Chính phủ, cùng đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, phấn đấu hoàn thành tốt nhất những mục tiêu đã đề ra trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới và cả giai đoạn 2021 - 2025, chăm lo tốt nhất cho cuộc sống của người dân và sự nghiệp giáo dục đối với các em học sinh.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai):
Mong chờ giải pháp tốt hơn cho việc dạy và học trực tuyến

Ảnh: T. Thành

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều tác động đến sức khỏe, đời sống, kinh tế và việc học hành của các bậc học, tôi cho rằng, 4 nhóm vấn đề thuộc 4 lĩnh vực Quốc hội nhất trí lựa chọn đưa ra chất vấn lần này hoàn toàn xác đáng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Khi tình hình dịch bệnh dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, việc các đại biểu Quốc hội "hỏi thẳng" - các thành viên Chính phủ "đáp ngay" sẽ tạo điều kiện để nhìn nhận rõ thực trạng những vấn đề đang đặt ra với 4 lĩnh vực, nhằm có những giải pháp tối ưu nhất với từng lĩnh vực. Thời gian qua, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ để giải quyết kịp thời các vấn đề an sinh xã hội, chăm lo cho sức khỏe của Nhân dân; ban hành nhiều nghị quyết với những chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa có tiền lệ, tạo điều kiện để Chính phủ ứng phó kịp thời hơn với bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên nhiều tỉnh, thành, khu vực trọng điểm của nước ta.

Dịch Covid-19 cũng gây gián đoạn việc đến trường của các em học sinh. Tuy nhiên, với chủ trương dừng đến trường nhưng không dừng học”, việc dạy học ở các cấp bậc đã chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Đối với học sinh khu vực miền núi, do điều kiện còn nhiều hạn chế nên việc dạy học trực tuyến cũng gặp rất nhiều khó khăn, như: Nhiều gia đình không đủ điều kiện để trang bị máy tính hay điện thoại thông minh để con em tham gia hình thức học mới này. Hay có những gia đình chuẩn bị đầy đủ thì việc kết nối mạng ở các địa phương cũng rất hạn chế, dẫn đến việc dạy và học chưa đạt hiệu quả như yêu cầu và mong muốn... Là đại biểu Quốc hội làm việc trong ngành giáo dục, tôi kỳ vọng, trước mắt Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những giải pháp tốt hơn để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho học sinh và cán bộ, giáo viên trong quá trình học trực tuyến, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhìn về xa hơn, cùng với công cuộc cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục, Bộ trưởng sẽ có những kế hoạch, chiến lược dài hơi trong giai đoạn tới để ngành giáo dục có thể thích nghi với diễn biến của dịch bệnh, đáp ứng được nhu cầu dạy và học của các thầy cô giáo, các em học sinh. 

Trung Thành