Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường:

Nhìn từ trải nghiệm của doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 12:41 - Chia sẻ
Báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường: Một số kết quả từ khảo sát doanh nghiệp năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Bộ Xây dựng công bố vào ngày 26.11 cho thấy: doanh nghiệp còn gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Toàn cảnh hội nghị.​​​​

Vẫn còn nhiều trở ngại

Báo cáo cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai nhóm thủ tục thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lần lượt là 50,0% và 48,0%, cao nhất trong số các thủ tục được đánh giá. Trên thực tế, các vấn đề chủ yếu diễn ra trong giai đoạn đền bù đất đai và giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn. Tình trạng doanh nghiệp và người sử dụng đất không thể tiến tới hình thức chuyển dịch đất đai tự naguyện qua thỏa thuận là rủi ro lớn cho các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư. Nếu chính quyền các địa phương không có phương án giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng, dự án có thể bị đình trệ kéo dài bởi các tranh chấp và khiếu kiện.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng: thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy là những thủ tục mà doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện 3 nhóm thủ tục này lần lượt là 43,7%, 42,9%, 41,4%. Đây là những nhóm thủ tục liên quan đến việc phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong công tác thẩm định, thẩm duyệt.

Nếu nhìn ở góc độ loại hình doanh nghiệp thì trải nghiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các thủ tục đầu tư – đất đai - xây dựng – môi trường nhìn chung tích cực hơn đáng kể so với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường cao hơn doanh nghiệp FDI ở 6/10 nhóm thủ tục được đánh giá. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước, ít gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các thủ tục thẩm định, thẩm duyệt, kế hoạch liên quan đến phòng cháy chữa cháy và môi trường. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI dễ dàng hơn trong các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, đất đai, quy hoạch và cơ sở hạ tầng (kết nối điện, cấp thoát nước).

Chênh lệch này đáng kể ở các nhóm thủ tục về “quyết định chủ trương đầu tư”, “các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng”, “các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị”. Điều này phản ánh những chuyển động chính sách trên thực tế khi hầu hết các địa phương trên cả nước đều có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như thu hút những doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước với tiềm năng tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, đặc biệt trên khía cạnh tạo việc làm, nâng các chuỗi giá trị tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát  biểu tại hội nghị.

Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá

Năm 2020, chi phí thời gian cần thiết để nhận được giấy phép xây dựng đã có những dấu hiệu cải thiện đáng ghi nhận so với kết quả năm 2019. Cụ thể, thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng giảm khoảng 1 ngày, từ trung bình 24,81 ngày năm 2019 xuống còn 23,93 ngày năm 2020. Nếu sử dụng giá trị trung vị để đánh giá thì một doanh nghiệp điển hình chỉ mất khoảng 15 ngày để nhận giấy phép xây dựng, trong khi giá trị này của năm 2019 đạt 20 ngày. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận giấy phép xây dựng quá thời gian quy định 30 ngày đã giảm từ 15,42% xuống còn 15,19%, và quá 60 ngày giảm từ 10,49% năm 2019 xuống còn 9,91% trong năm 2020.

Một điểm sáng khác cũng được doanh nghiệp chỉ ra là tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với nhóm thủ tục về “đất đai, giải phóng mặt bằng”, và nhóm thủ tục về “quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị” đã giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 8% và 4,2%. Đây là kết quả nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tạ điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được mặt bằng kinh doanh và quỹ đất sạch.

Trong thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm đầy đủ khung pháp lý cho việc quản lý Nhà nước. Chẳng hạn, việc công bố công khai bộ thủ tục hành chính cũng như các khoản phí và lệ phí phải nộp đã khắc được tình trạng “cò mồi”, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư.

Như vậy, để thúc đẩy cải cách lĩnh vực này hơn nữa, bên cạnh việc tập trung các nỗ lực cải cách vào các thủ tục nêu trên, nhiều ý kiến đề xuất cần xây dựng một bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của việc thực hiện thủ tục hành chính đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường ở cấp tỉnh.

Bộ chỉ số này được thiết kế theo quy trình 3 bước kế thừa từ phương pháp của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gồm: thu thập dữ liệu điều tra doanh nghiệp bằng phiếu hỏi; Chuẩn hóa kết quả các điểm chỉ tiêu theo thang điểm 10; và Tổng hợp điểm số trung bình và xếp hạng.

Việc chỉ rõ địa phương nào doanh nghiệp gặp thuận lợi, hay khó khăn trong quá trình thực hiện nhóm thủ tục này sẽ giúp cho chính quyền các tỉnh có thông tin để lựa chọn các giải pháp cải cách phù hợp. Đánh giá này cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thông tin hữu ích để dự liệu cho quá trình thực hiện thủ tục tại mỗi địa phương, cũng như cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư những chỉ báo quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư.

Một doanh nghiệp cần khoảng 3 lượt đến cơ quan nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng trong năm 2020. Khoảng 10,9% doanh nghiệp chỉ cần đi lại không quá 1 lần đến cơ quan giải quyết thủ tục nhưng cũng có một số ít doanh nghiệp mất đến 9 lần qua lại cơ quan cấp giấy phép.

 

Đình Khoa